Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương: Bàn các giải pháp thực hiện thành công “mục tiêu kép”

15:27 02/07/2020

Sáng 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành; các tổng cục, hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn...

Dự và chủ trì tại điểm cầu Hải Phòng có Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cùng lãnh đạo các sở ngành thành phố...

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch COVID-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phiên họp hôm nay được tổ chức không chỉ đánh giá tình hình 6 tháng qua mà cả định hướng chỉ đạo, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế, tận dụng tốt cơ hội kiểm soát được dịch COVID-19

Điều đáng mừng là 2,5 tháng qua Việt Nam ghi nhận không xuất hiện ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Đó là nhờ sự ủng hộ, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân cùng quyết sách đúng đắn của Chính phủ đã tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đây là thành công rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tuy vậy dịch Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong quý 2. Do vậy cần phải đưa ra những quyết sách đúng đắn kiên quyết không để dịch Covid – 19 quay lại Việt Nam nhưng vẫn đồng thời triển khai tốt các giải pháp để phục hồi kinh tế, thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân. Vì vậy đòi hỏi tinh thần đoàn kết, quyết tâm, sát sao... trong quản lý, điều hành tại các bộ ngành và địa phương trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng chủ trì tại điểm cầu Hải Phòng

Theo báo cáo tại hội nghị, là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid - 19 với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo các chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý là GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 bởi đây là giai đoạn Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội... Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này cũng “không phải điều gì quá tồi tệ”. Thậm chí, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng

Báo cáo tại điểm cầu Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cho biết: 6 tháng đầu năm 2020, Hải Phòng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trung ương trong công tác phòng chống dịch Covid – 19. Đến nay thành phố chưa có ca dương tính với Covid – 19 ngoài cộng đồng. Kinh tế xã hội của thành phố tiếp tục phát triển với tổng sản phẩm trên địa bàn 3 tháng tăng gần 15%, 6 tháng tăng gần 11%. Nhiều chỉ tiêu tiếp tục có sự tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 như: chỉ số sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thu ngân sách nội địa… Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nhưng trong tháng 5 và 6, thành phố đã tổ chức khởi công, khánh thành nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch quan trọng; đặc biệt là các công trình giao thông kết nối với các địa phương liền kề. Thành phố cũng đã hỗ trợ cho các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng.

6 tháng cuối năm, Hải Phòng không điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch năm, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là thu nội địa…

Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương đã thảo luận các kịch bản, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.

Đồng thời các địa phương, bộ ngành phản ánh, thảo luận việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, Nghị quyết số 42 và đặc biệt Quyết định số 15 của Thủ tướng khi có thông tin còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp không vay được tiền, một số đối tượng không được hỗ trợ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành báo cáo, đề xuất, kiến nghị cụ thể, nên bãi bỏ ngay những quy định bất hợp lý trong thẩm quyền của Bộ và Chính phủ, phải xử lý nghiêm những bộ phận, những cán bộ gây nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp và người dân.

PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích