17:37 11/01/2014 Được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” nên việc chinh phục đỉnh Fansipan là niềm đam mê và khao khát của tất cả những ai ưa mạo hiểm. Nó không chỉ là hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà còn là hành trình vượt qua nỗi mệt nhọc về thể chất lẫn tinh thần…
Được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” nên việc chinh phục đỉnh Fansipan là niềm đam mê và khao khát của tất cả những ai ưa mạo hiểm. Nó không chỉ là hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà còn là hành trình vượt qua nỗi mệt nhọc về thể chất lẫn tinh thần…
Không thể lùi bước! Kế hoạch leo Fansipan đã nhen nhóm từ lâu nhưng để có một chuyến đi không phải là đơn giản. Nhóm chúng tôi gồm hơn 10 đồng nghiệp, chủ yếu là những phóng viên đang công tác tại một số cơ quan báo chí. Để chuẩn bị cho ngày lên đường, chúng tôi đã có thời gian hàng tháng trời để chuẩn bị, không chỉ là rèn luyện sức khỏe, trang bị dụng cụ, phương tiện mà nhiều người còn tranh thủ lên mạng internet tìm kiếm thông tin và kinh nghiệm leo núi… Lần đầu tiên leo núi, trong nhóm lại có nhiều phụ nữ nên chúng tôi khởi nguồn từ Trạm Tôn (cổng Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn) ở độ cao 1.800m. Cung đường này có chiều dài khoảng 16km, với hành trình 2 ngày 1 đêm và thường dành cho những nhà leo núi nghiệp dư, dân du lịch. Ngoài ra, để đặt chân lên đến đỉnh Fansipan còn có thể đi bằng 2 cung đường khác nữa. Trong đó cung đường dài nhất khoảng 37km đường núi, xuất phát từ bản Cát Cát của Sapa ở độ cao 1.200m. Và cung đường dốc nhất bắt đầu đi từ bản Sín Chải ở độ cao 1.260m. Trước lúc xuất phát, cả nhóm ai nấy đều tỏ rõ sự háo hức và hừng hực khí thế chinh phục “nóc nhà Đông Dương”. Thế nhưng, chỉ ngay khi vừa vượt qua những bậc thang đá đầu tiên, lội qua một con suối nhỏ rồi một vài con dốc, chúng tôi đã bắt đầu thở hồng hộc vì mệt, tim đập nhanh và chân bắt đầu mỏi dần… Kiều Minh (truyền hình VTC) đã phải đã thốt lên rằng, không biết liệu có đủ sức đi tiếp không đây(?!). Tiếp tục vượt qua những con đường trong rừng nhỏ hẹp và khó đi vô cùng. Những rễ cây nhằng nhịt chăng lối. Chúng tôi phải dùng găng tay để bám vào cây rừng mà đu người lên những dốc đứng… Thế mới thấy chuyến đi thực sự là cuộc thử thách vĩ đại về sức khoẻ và lòng dũng cảm. Có những lúc chân mỏi, muốn mềm nhũn. Hai bàn tay tơ tướp, cảm giác toàn thân nặng nề như đeo đá. Gian nan và nguy hiểm giăng kín, bủa vây. Phía trên là dốc cao núi thẳm, dưới là vực sâu. Chỉ sơ ý trượt chân một cái là rơi xuống vực. Cho nên đôi bàn tay phải cố gắng bấu chặt vào từng mỏm đá, cành cây, đặt chân và nhấc cơ thể lên một cách thận trọng. Sau hai giờ đi liên tục, chúng tôi đã lên tới trạm dừng đầu tiên ở độ cao 2.200m và nghỉ trưa ở đây trước khi tiếp tục hành trình. Biết còn đến 1.000m nữa thì mới đến đỉnh nên chân ai như cũng muốn khuỵu xuống, những cục mắt cá cứ định vỡ bung ra. Thế Dũng (Báo Người lao động TP.HCM) dường như không còn đủ sức để đi tiếp, ngồi thừ ra buông một câu: “Hay là… bỏ cuộc(?!)”. Nghe thấy vậy, nhiều người trong nhóm không nói ủng hộ nhưng vẻ mặt thì thấy có vẻ… tán thành. Thế nhưng, theo tính toán một cách… trung thực của anh chàng bản địa người Mông, làm nghề gùi hàng thuê, nếu đi lên thì chỉ còn khoảng hơn 1.000m, nhưng đi xuống phải mất gần 3.000m. Vậy thì sự lựa chọn nào hơn(?). Như không còn sự lựa chọn nào khác, chúng tôi tiếp tục lên đường tiếp tục cuộc "hành xác" sau bữa trưa thịnh soạn đầy đủ chất dinh dưỡng với thịt, trứng, rau và nước trà. Tuy nhiên, cũng chỉ mất vài nhịp hít thở đều đặn, đôi chân lại hăm hở bước đi. Thế giới hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Hoàng Liên quyến rũ tất cả, và nó thắp lên niềm kiêu hãnh muốn được chinh phục. Được biết, vườn Quốc gia Hoàng Liên là khu rừng nguyên sinh rộng lớn với diện tích trên 28.900ha còn những nét hoang sơ, càng lên cao càng nhiều điều hấp dẫn. Với hệ thực vật gồm trên 2.000 loài, trong đó có 113 loài quý hiếm có tên trong danh mục đỏ của thế giới và Sách đỏ Việt Nam. Những thân cây cổ thụ to mấy người ôm đã có hàng trăm năm tuổi, qua thời gian, thân cành chằng chịt dây leo, bám đầy rêu phong và tầng tầng địa y như những tấm bản đồ của đại ngàn bí ẩn. Trên thân cổ mộc, phong lan thi nhau khoe sắc. Song, điều thú vị và để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả là được thỏa sức ngắm hoa đỗ quyên rừng. Loài cây thân gỗ này chỉ mọc ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển và nhiều nhất ở độ cao 2.800m. Đỗ quyên có trên 30 loài, mỗi loài mang màu sắc riêng. Giữa mùa hoa nở, ngước lên đến mỏi cổ mà vẫn không muốn rời mắt khỏi những chùm hoa rực rỡ, khi cúi xuống, dưới chân mình cũng là một thảm hoa đẹp mê hồn. Lớp hoa này rụng xuống chưa kịp phai sắc, có cơn gió thổi nhẹ, lớp hoa khác đã buông mình rơi xuống tựa như cơn mưa hoa… Chiến thắng bản thân Cuộc hành trình cho đến chiều muộn, nhóm chúng tôi mới có mặt ở độ cao 2.800m và sẽ phải nghỉ đêm tại đây. Đêm giữa đại ngàn, ngoài trời nhiệt độ lúc nào cũng dưới 10 độ C, chúng tôi ai nấy đều cảm nhận được cái lạnh đang len lỏi vào tận xương tủy. Sương mù buông xuống dày đặc, soi đèn pin cách vài bước chân nhìn cũng không nhận ra nhau. Còn nước suối thì lạnh buốt tay. Dù chui vào trong túi ngủ nhưng chúng tôi vẫn phải co người lại để giữ ấm cơ thể vì cái rét vẫn theo sương mù tràn vào lều bạt, như kim châm chích vào da thịt... Cảm giác càng lạnh lẽo hơn khi giữa đêm vắng nghe tiếng gió thổi xào xạc, tiếng suối chảy róc rách và cả tiếng chim thú kêu trong rừng. Theo lời của những người bản địa, chỉ còn hơn 300m độ cao nhưng là một quãng đường khó khăn và gian khổ hơn hôm trước rất nhiều. Do đó, để kịp xuống núi trước khi trời tối, sáng hôm sau chúng tôi phải dậy thật sớm để tiếp tục hành trình… Quả thật, quãng đường còn lại để lên đến đỉnh Fansipan vô cùng khó khăn. Không khí lạnh và loãng cũng làm chúng tôi thiếu oxy và rất mau mệt, trong khi đôi chân còn chưa kịp phục hồi sau một ngày leo núi ròng rã. Chúng tôi phải leo lên độ cao 2.900m rồi lại xuống 2.800m và rồi lại tiếp tục leo lên. Không như những đoạn đường phía dưới, ở trên cao nhiều đoạn phải vượt qua những vách núi chênh vênh và những con suối cao và trơn trợt, có lúc tưởng chừng như sức lực đã cạn kiệt…
Leo lên đỉnh Fansipan không chỉ là hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà chính là hành trình vượt lên chính mình Rồi bỗng oà lên cảm giác sung sướng khi đỉnh Fansipan hiện ra trước mắt. Bao nhiêu mệt mỏi bị cuốn sạch, chỉ còn một niềm hân hoan khó tả khi chạm tay vào cột mốc 3.143m. Đứng trên đỉnh Fansipan, giữa không gian đất trời bao la lộng gió, con người trở nên nhỏ bé nhưng có cảm giác thật tự hào vì đã chinh phục được “Nóc nhà Đông Dương”. Bầu trời cũng trở nên gần hơn bao giờ hết và cảnh vật dưới kia vừa hùng vĩ vừa thanh bình. Mọi người ai nấy đều tranh thủ chụp cho mình những tấm ảnh, ghi lại khoảnh khắc có thể là hiếm hoi trong đời và cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua với biết bao nhiêu vất vả, gian lao… Nhiều bạn bè tỏ ra thán phục khi biết chúng tôi vừa chinh phục Fansipan trở về. Có người hỏi leo Fansipan có khó lắm không? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng thật khó trả lời. Hai bạn gái Huyền Trang và Thu Nhung tự mình đi từ Bình Dương ra Hà Nội rồi ngược lên Sapa để chinh phục Fansipan, như để hoàn thành một kế hoạch lớn trong cuộc đời mình, khi xuống đến chân núi, 2 đít quần đã rách bươm. Bởi các bạn không còn sức để đi bằng chân, mà phải lê lết leo lên, leo xuống. Hay Thanh Long (Thái Bình) dù đã leo lên đến độ cao 2.800m nhưng phải… dừng bước, lỡ duyên với đỉnh Fansipan vì đi đến giữa đường thì bị cảm lạnh… Song, có một điều mà ai đã từng chinh phục Fansipan đều có chung suy nghĩ rằng, đó là một chuyến đi trải nghiệm tuyệt vời. Leo lên đỉnh Fansipan không chỉ là hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà chính là hành trình vượt lên chính mình. Mỗi bước đi là một nỗ lực vượt qua những nỗi mệt nhọc về cả thể chất lẫn tinh thần, mà trong đó sự yếu đuổi về tinh thần chính là khó khăn lớn nhất. |