Chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành Y tế: Góp phần thúc đẩy Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế của vùng duyên hải Bắc bộ

17:34 08/12/2023

Tại kỳ họp thứ 13 (kỳ họp thường lệ cuối năm) của HĐND thành phố, chính sách đặc thù về hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành Y tế thành phố giai đoạn 2024-2030 sẽ được xem xét, quyết định. Đây là tin vui đối với CBCNV ngành Y tế Hải Phòng, cho thấy sự quan tâm rất thiết thực, cụ thể của thành phố với mong muốn giữ ổn định nhân lực ngành Y tế; tuyển chọn và giữ chân người tài, góp phần quan trọng đưa Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế của vùng duyên hải Bắc bộ.

                                                 Những điểm nghẽn, bất cập về nhân lực ngành Y tế

           Nhân lực y tế là yếu tố quyết định nhất tới chất lượng khám, chữa bệnh và tạo dựng niềm tin trong nhân dân. Thế nhưng, tại Hải Phòng, số lượng nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập còn thiếu so với định mức tối thiểu quy định tại Thông tư 03/2023/TT- BYT của Bộ Y tế.

Theo Sở Y tế, so với định mức tối thiểu, số bác sỹ còn thiếu là 15,2%; số dược sỹ đại học còn thiếu 32,5%; số điều dưỡng còn thiếu 8,7%; số hộ sinh còn thiếu 4,8%; số kỹ thuật viên y tế còn thiếu 33,1%. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu ở một số chuyên ngành sâu; thiếu bác sỹ ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, trạm y tế xã, phường. Thậm chí, tại các bệnh viện chuyên khoa khó như Tâm thần, Lao, Phục hồi chức năng, Trung tâm cấp cứu 115 và các đơn vị tuyến huyện , trạm y tế, do không thu hút được bác sĩ về công tác nên phải sử dụng y sỹ khám chữa bệnh. Thêm vào đó, thu nhập và các khoản phụ cấp của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập có sự chênh lệch cao giữa các tuyến thành phố; tuyến thành phố và tuyến quận, huyện... Theo đó, mức thu nhập bình quân của nhân viên y tế khối thành phố khoảng 12 triệu đồng, nhưng tuyến huyện chỉ khoản 8 triệu đồng, có đơn vị ở mức rất thấp như Bệnh viện Đôn Lương (Cát Hải) chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập của nhiều nhân viên y tế còn thấp, chưa có tác dụng khuyến khích, động viên yên tâm với nghề

Giám đốc Bệnh viện An Lão Vũ Văn Vui cho biết: bệnh viện rất thiếu nhân lực chuyên môn sâu, đặc biệt là bác sỹ sau đại học các chuyên ngành. Vì thế, tại một số khoa, bác sĩ phải trực dày, quá số buổi theo quy định; một số khoa, phòng viên chức phải kiêm nhiệm nhiều việc; không giải quyết được đủ chế độ nghỉ bù trực cho viên chức. Thiếu như thế nhưng tuyến không dễ. Năm 2022, bệnh viện xây dựng kế hoạch tuyển 17 viên chức nhưng cũng chỉ tuyến được 16 người. Cũng đáng chú ý khi từ năm 2020 đến nay, CBVC- lao động không có thu nhập tăng thêm. Toàn bộ số thu của đơn vị chỉ để chi mua thuốc, vật tư y tế và chi lương, các khoản đóng góp cho viên chức và người lao động. Cám cảnh hơn, với số ngân sách cấp chi thường xuyên năm 2023 và dự toán số thu dịch vụ năm 2023 của đơn vị thì những tháng cuối năm 2023 đơn vị sẽ không còn kinh phí để chi đủ lương cho viên chức và người lao động. Cũng do không có chế độ đãi ngộ nên khó giữ chân nhân viên, năm 2022 và 2023 đã có 7 người xin nghỉ việc, chuyển công tác…

          Còn theo Sở Y tế Hải Phòng, số nhân viên y tế nghỉ việc và chuyển công tác  có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2018 có 65 người, năm 2019 là 67 người, năm 2021 là 121 người và năm 2022 có 128 người. Đến nay, thành phố chưa có chính sách đặc thù để thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao trong ngành Y tế.

           Có thể nói, đây là những bất cập, là điểm nghẽn không chỉ cản trở sự phát triển của ngành Y tế Hải Phòng mà còn ảnh hưởng đáng kể tới quyền lợi được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

                                             Đáp ứng được nhu cầu thực tế

           Nhìn thấy rõ điểm nghẽn đó, năm 2023, các đồng chí: Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố và các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND thành phố có các cuộc kiểm tra, giám sát tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.  HĐND thành phố khóa 16 có cuộc giám sát chuyên đề về y tế. Từ đó xác định rõ, nhân lực là một trong những yếu tố quyết định nhất tới sự phát triển của ngành Y tế. Các đồng chí lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo và ngành Y tế xây dựng đề án về chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành Y tế và dự kiến sẽ trình kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố khóa 16 ban hành nghị quyết.

          Theo đó, viên chức chuyên ngành y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự chủ nhóm 3, nhóm 4 được cử đào tạo chuyên môn sau đại học, đào tạo bác sĩ hoặc đi học tập, tiếp nhận kỹ thuật chuyên môn, chuyên khoa ở tuyến trên sẽ được thành phố hỗ trợ 100% chi phí đào tạo theo mức thu của các cơ sở đào tạo theo quy định tại Thông tư số 36 và thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 36 của Bộ Tài chính. Đồng thời được hỗ trợ chi phí đi lại, lưu trú, tài liệu với mức 4,8 triệu đồng/tháng.

Thành phố Hải Phòng quan tâm hỗ trợ đào tạo và thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút, giữ chân nhân lực ngành Y tế

Cùng với đó, được hưởng các chế độ ưu đãi theo các hình thức đào tạo. Cụ thể, đào tạo văn bằng chuyên môn y tá, dược sỹ, chuyên khoa 2, chuyên khoa 1, bác sỹ nội trú, đào tạo bác sỹ tại trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và huyện đảo đối với viên chức là bác sỹ, dược sỹ đang công tác tại các cơ sở y tế công lập được cử đi đào tạo chuyên môn sau đại học theo đúng chuyên ngành đào tạo, vị trí việc làm, khi tốt nghiệp được hỗ trợ một lần với mức: tiến sỹ là 90 triệu đồng/người; bác sỹ hoặc dược sỹ chuyên khoa cấp 2 là 72 triệu đồng/người; bác sỹ nội trú 63 triệu đồng/người; thạc sỹ, bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp 1 là 48 triệu đồng/ người… Các viên chức đang công tác tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế tuyến huyện và huyện đảo khi tốt nghiệp bác sỹ (gồm các viên chức có bằng tốt nghiệp hoặc được cử đi đào tạo trong giai đoạn 2024-2030) được hưởng mức hỗ trợ một lần 27 triệu đồng.

          Ngoài ra, viên chức y tế đi đào tạo  hoặc tăng cường chuyên môn tuyến trên về tuyến dưới hoặc được cử đi tăng cường chuyên môn cho đơn vị y tế khác trong ngành được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên được hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Cụ thể, được hưởng mức 4,8 triệu đồng/người/tháng; 9 triệu đồng/người/ tháng đối với việc đi tăng cường- chuyển giao kỹ thuật tại huyện đảo Bạch Long Vĩ hoặc viên chức tuyến Trung ương đi tăng cường cho đơn vị sự nghiệp nhóm 3, nhóm 4 trực thuộc Sở Y tế Hải Phòng. Viên chức y tế đi học tập kỹ thuật chuyên môn  (chuyên khoa); tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên môn được hưởng chế độ ưu đãi mức 9 triệu đồng/kỹ thuật chuyển giao thành công hoặc kỹ thuật chuyên môn (chuyên khoa).   

Ngoài ra, viên chức chuyên ngành Y tế trong các  đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 3, nhóm 4 được cấp có  thẩm quyền đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên được hưởng thêm 6 triệu đồng/người/năm với bác sỹ, dược sỹ trình độ sau đại học; 5 triệu đồng/người/năm với bác sỹ, dược sỹ trình độ đại học và 4 triệu đồng/người/năm với viên chức y tế khác. Mỗi người được hưởng tối đa 3 năm chế độ ưu đãi hàng tháng; không thực hiện chế độ ưu đãi này đối với các trường hợp đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị xử lý kỷ luật.

          Như vậy, tổng kinh phí từ ngân sách thành phố bố trí để thực hiện chế độ đãi ngộ, ưu đãi và thu hút nhân lực Y tế trong 7 năm 2024-2030 khoảng 315 tỷ đồng.

          Có thể thấy, với cách làm như vậy, các bác sỹ, y sỹ, nhân viên y tế sẽ yên tâm hơn và có thêm động lực cống hiến cho sự phát triển của ngành và bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; các chuyên gia đều cho rằng đây là chính sách rất cần thiết, kịp thời và mong muốn HĐND thành phố sớm thông qua, đáp ứng được yêu cầu từ thực tế./.

                                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông