18:09 03/12/2024 Trong bài viết: “Chống lãng phí”, đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”. Đồng chí Tổng bí thư nêu rõ: lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, lãng phí nguồn lực về đất đai xảy ra ở nhiều địa phương. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm, Hải Phòng triển khai các kế hoạch, công việc cụ thể nhằm chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực. Và đất đai được coi là một trong những mũi “đột kích” đầu tiên.
Bài 1:
Gọi tên các dự án chậm chạp, ì ạch, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai
Ngày 22-11-2024, đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì họp với lãnh đạo các ngành, các địa phương để rà soát toàn bộ các dự án, diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất. Thông điệp được đưa ra với quan điểm nhất quán là sẽ kiên quyết thu hồi các dự án này, quyết tâm chống lãng phí trong lĩnh vực đất đai.
Những “ha vàng” bị bỏ hoang hàng chục năm
Cha ông ta đã nói: “tấc đất tấc vàng” nhưng thực tế ở Hải Phòng, đến nay có nhiều “ha vàng” bị bỏ hoang hàng chục năm nay đang gây nhức nhối trong dư luận và bức xúc trong nhân dân. Cụ thể, tại quận Dương Kinh có một số dự án không triển khai thực hiện, để hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất buộc phải ban hành quyết định thu hồi đất để quản lý sử dụng vào mục đích phù hợp. Điển hình như: dự án khu vui chơi giải trí của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại phường Tân Thành, quy mô trên 40 ha; Khu đô thị Our City trên 40ha tại phường Hải Thành; Công ty TNHH một thành viên thủy sản Hạ Long, tại phường Tân Thành, quy mô 120 ha; dự án xây dựng trung tâm hỗ trợ nạn nhân chiến tranh và người rủi ro bất hạnh Hải Phòng quy mô 2,49ha; Trung tâm huấn luyện và tổ chức thi đấu môn bắn súng bắn cung quy mô 7,44 ha; Công ty cổ phần ACS Việt Nam, Khu đô thị Đông Thăng phường Anh Dũng; dự án Bến xe khách liên tỉnh tại phường Hải Thành và một số dự án khác...
Phó chủ tịch UBND quận Dương Kinh Đặng Xuân Điện cho biết, quận đã kiểm tra, rà soát và đề xuất thu hồi đất của 3 doanh nghiệp do dự án chậm tiến độ; một phần diện tích đất cho thuê không đúng mục đích; do không đưa đất vào sử dụng (Công ty cồ phần kinh doanh và chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng (khu 2); Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng; Phòng Cồng nghiệp và Thương mại Việt Nam).
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển: trong năm 2022, thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao, huyện Thủy Nguyên phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với diện tích 22ha đất tại xã Tam Hưng do Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Nam Triệu sử dụng. Khu đất này tồn tại từ năm 2010, do Công ty Nam Triệu tự ý thỏa thuận bồi thường, san lấp măt bằng và đầu tư xây dựng trong khi chưa được giao hoặc cho thuê đất. Hiện Thủy Nguyên đang đề xuất giao khu đất này cho nhà đầu tư mới có đủ năng lực đầu tư xây dựng để tránh lãng phí.
Cũng như vậy, năm 2024, huyện Thủy Nguyên tổ chức tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với diện tích 0,77ha đất do Công ty TNHH My Sơn sử dụng từ năm 2003. Khu đất này cũng do Công ty My Sơn tự thỏa thuận bồi thường, mua đất của dân và xây dựng công trình trên đất khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Hiện khu đất này được giao cho UBND xã Tam Hưng quản lý.
Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển cho biết thêm, huyện đã kiểm tra, phát hiện 13 dự án sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích 6,33 ha; 3 dự án tổng diện tích 105,88 ha được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ thực hiện và đang được thành phố gia hạn sử dụng đất 24 tháng; 6 tổ chức đã dừng, hủy bỏ dự án đầu tư với tổng diện tích 260,52 ha.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Phạm Văn Thuấn, nghị quyết số 06 ngày 29-3-2016 của HĐND thành phố khóa 14 đã chỉ rõ 40 dự án phải kiểm tra, thu hồi đất ngay trong giai đoạn 2016-2017 với tổng diện tích đất thu hồi 299,82 ha. Đến nay, thành phố ban hành quyết định thu hồi đất đối với 13 dự án với tổng diện tích 245,74 ha. Trong đó, đã hoàn thành thu hồi đất đối với 12 dự án, còn 1 dự án của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, xử lý đối với 254 dự án với tổng diện tích 2.288,4 ha có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, cần kiểm tra. Nhìn chung, Hải Phòng đã nắm rõ những dự án, doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất lãng phí; hết thời hạn thuê đất nhưng không bàn giao, tự ý cho thuê lại; nợ nghĩa vụ tài chính; sử dụng đất không đúng mục đích… Từ đó, sẽ có biện pháp cụ thể đổi với từng trường hợp, quyết không để những “tấc đất tấc vàng” bị lãng phí.
Những hệ lụy khó đo, đếm
Theo lãnh đạo UBND quận Dương Kinh, những dự án chậm tiển độ, dự án treo gây lãng phí lớn về tài chính của chính chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và của cả ngân sách Nhà nước; làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và ảnh hường trực tiếp đến đời sống kinh tế, chất lượng cuộc sống do người dân bị thu hồi đất, mất nguồn thu nhập từ sản xuất; do phá vỡ hệ thống tưới tiêu nên hạn chế, giảm năng xuất trong sản xuất nông nghiệp, thậm chí không sản xuất được phải để hoang hóa, lãng phí.
Bên cạnh đó, do dự án không triển khai, không tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, không thu hút được lao động, địa phương không phát triển được kinh doanh dịch vụ khác. Còn có cả tình trạng lấn chiếm đất xảy ra; ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả sử dụng đất, quy hoạch phát triển chung của quận, thành phố, trong khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu, tiềm lực thì lại không có đất để đầu tư, sản xuất...
Đơn cử như dự án của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với diện tích hơn 40ha tồn tại mấy chục năm nay không thực hiện, dẫn tới tình trạng bỏ đất hoang hóa, gây lãng phí lớn và những hệ lụy khó lường. Cũng như vậy, các dự án của Công ty ACS Việt Nam; dự án Khu đô thị Our City hoặc sử dụng không hiệu quả, hoặc chậm thực hiện hàng chục năm cũng gây bức xúc trong dư luận.
Cũng theo UBND quận Dương Kinh, một số dự án nhà ở trên địa bàn phường Anh Dũng do tiến độ triển khai chậm, chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định nên chưa đảm bảo điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác cho người dân khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất găn liền vởi nhà ở tại dự án; gây bức xúc, kiến nghị, đơn thư kéo dài vượt cấp của người dân, như: dự án nhà ở do Công ty xây dựng thủy lợi Hải Phòng làm chủ đầụ tư; dự án nhà ở Anh Dũng 6.... Một số quỹ đất xây dựng các công trình công cộng trong các dự án do chủ đầu tư chưa triển khai nên nhà nước phải ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho đơn vị liên quan tham mưu đề xuất sử dụng vào mục đích phù họp, có hiệu quả.
Đáng chú ý, trong các đợt tiếp xúc cử tri, thành phố và quận nhận được nhiều ý kiến cử tri chất vấn, đề nghị làm rõ về phương hương, giải pháp xử lý có hiệu quả tình trạng đất để hoang hóa, không đưa đất đã giao, cho thuê để thực hiện dự án vào sử dụng theo tiến độ; tình trạng nước thải từ các khu đất này ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất, nuôi trồng thủy sản của các hộ dân gần dự án…
Như thế, mới chỉ tính sơ sơ các dự án buộc phải thu hồi đất đã thấy xót ruột vì hàng trăm ha đất đang nằm im. Không chỉ thế, càng đắng lòng khi thành phố đặt nhiều kỳ vọng thu ngân sách từ các dự án này nhưng số tiền nộp chỉ nhỏ giọt, kéo dài, thậm chí phần nhiều không có.
Ngoài ra, tại Hải Phòng còn có một tình trạng khá nhức nhối khác khi có hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn của các Bộ, ngành tại quận Đồ Sơn từ nhiều năm nay để xuống cấp hoặc không khai thác, sử dụng, để hoang hóa. Trong khi đó, đây thực sự là những khu đất “kim cương” tại một khu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước nên càng xót ruột. Đến mức, lãnh đạo thành phố Hải Phòng trực tiếp vào cuộc, nhiều lần kiến nghị, đề xuất Trung ương chỉ đạo các Bộ, ngành nếu không còn nhu cầu sử dụng thì bàn giao lại cho thành phố quản lý, thu hút, kêu gọi đầu tư, biến thành vàng, thành lợi nhuận để phát triển. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có một số cơ sở được bàn giao, còn lại vẫn đang trong trạng thái chờ đợi.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết, hiện nay có sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn các địa phương.
Từ đó đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét, giải quyết tạo điều kiện nhanh nhất cho các địa phương được thuận lợi khai thác các quỹ đất trong phạm vi chỉ tiêu đã được phân bố; sớm chuyển giao các cơ sở nhà, đất do bộ, ngành đang quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí đã đế hoang hóa hàng chục năm, thiết thực chống lãng phí. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Quốc hội Hải Phòng phản ánh trên diễn đàn Quốc hội, vì Hải Phòng cũng như Phú Thọ và nhiều địa phương khác, đất đai bị hoang hóa, sử dụng không hiệu quả là sự lãng phí rất lớn.
Đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ và yêu cầu có ngay các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và xử lý tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai. Tổng bí thư nêu thực trạng đau xót: “Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ, nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại”. Tổng bí thư chỉ ra những dự án lãng phí rất cụ thể, như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở thành phố Hồ Chí Minh; 2 dự án bệnh viện ở Hà Nam (Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2)… Từ đó, theo Tổng Bí thư, phải có người đứng ra chịu trách nhiệm. Tổng bí thư yêu cầu rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm, theo đúng tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xác định rõ trách nhiệm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân. Và thành phố Hải Phòng cũng đang thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư với quyết tâm rất cao./.
(Còn tiếp)
Nhóm phóng viên kinh tế
14:13 04/12/2024
10:09 04/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão