Chống lãng phí Hải Phòng “đột kích” vào lĩnh vực đất đai (Bài 2)

10:11 04/12/2024

Bài 2: Từng bước đưa đất vàng hồi sinh Thực tế, không phải bây giờ mà từ hàng chục năm nay, Hải Phòng luôn chú trọng quản lý đất đai, có nhiều quyết sách kiên quyết thu hồi các diện tích đất đã được giao cho các doanh nghiệp nhưng chậm thực hiện dự án, để lãng phí kéo dài. Và giờ đây, với tinh thần quyết liệt chống lãng phí theo chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm, Hải Phòng đang gấp rút đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, xử lý nghiêm những sai phạm, với quyết tâm đưa đất vàng hồi sinh, đất vàng phải đẻ ra vàng, nguồn lực đất đai được phát huy tối đa để thực hiện các mục tiêu phát triển thành phố và đất nước. Công việc này được đánh giá là rất phức tạp, khó khăn, nhạy cảm nhưng Hải Phòng quyết tâm làm đến nơi đến chốn và có lộ trình, thời hạn cụ thể.

                                                                 Nhiều khu đất được đưa vào sử dụng

          Từ năm 2016, HĐND thành phố đã ban hành NQ số 06 ngày 29-3-2016 về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích  đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất. Kèm theo đó là danh mục 40 dự án buộc phải thu hồi. Đến nay, đã thu hồi 245,7 ha đất của 12 doanh nghiệp và nhiều khu đất đã được giao cho các nhà đầu tư mới có đủ năng lực thực hiện dự mới, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, cải tạo, chỉnh trang đô thị Hải Phòng.

Khu đất số 4B Trần Phú được đưa ra đấu giá và Công ty CP đầu tư xây dựng HDMON trúng đấu giá, đang thực hiện dự án xây dựng cao ốc với tiến độ rất khẩn trương

          Cụ thể, đã thu hồi khu đất 1,3ha của Công ty CP giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng tại số 4B Trần Phú, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền do hết thời hạn sử dụng, không phù hợp quy hoạch và khu đất 670m2 tại số 7 Trần Phú, quận Ngô Quyền của Công ty CP vật tư bao bì Hà Nội (Công ty CP Nhựa Việt Thành) do không còn nhu cầu sử dụng đất, không phù hợp quy hoạch. 2 khu đất này đã được đưa ra đấu giá và Công ty CP đầu tư xây dựng HDMON trúng đấu giá, đang thực hiện dự án xây dựng cao ốc với tiến độ rất khẩn trương. Khu đất hơn 6000m2 của Công ty CP Cơ khí chế tạo Hải Phòng ở số 150 phố Tô Hiệu, một vị trí rất đắc địa và đắt đỏ do sử dụng trái mục đích và công ty đồng ý di chuyển khỏi nội thành đã được giao cho Công ty CP Tô Hiệu thuê và thực hiện dự án chỉnh trang đô thị. Nơi đây sẽ sớm mọc lên một tòa cao ốc mới, mang lại một diện mạo mới cho đô thị Hải Phòng và cả khu vực.

            Khu đất hơn 9100m2 của Công ty TNHH Duy Hưng tại Khu đô thị mới Ngã năm- Sân bay Cát Bi ở một vị trí rất đẹp nhưng do nhiều năm không đưa đất vào sử dụng đã được thành phố thu hồi và đưa ra đấu giá, Công ty CP Hải Phòng Invest trúng đấu giá để thực hiện dự án mới. Khu đất hơn 8700 m2 của Chi nhánh kỹ nghệ điện lạnh Hải Phòng và khu đất 12.240m2 của Công ty Dầu lửa Trung ương (Công ty Xăng dầu khu vực 3) cùng tại phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn do không đưa đất vào sử dụng đã được thu hồi đấu giá và Công ty CP Kinh doanh dịch vụ thương mại Cầu Vồng Hoa Lan trúng đấu giá .

Khu đất 183ha của Công ty CP thương mại Nam Mỹ tại Phù Long, Cát Hải không đưa vào sử dụng được thu hồi giao UBND xã Phù Long quản lý. Trung tâm phát triể quỹ đất (Sở Tài nguyên Môi trường) đang quản lý khu đất hơn 18ha của Công ty CP kinh doanh và chế biến hang xuất nhập khẩu Đà Nẵng (khu 2) và hơn 23,8ha của Công ty CP nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng cùng tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh để sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Khu đất gần 20ha của Trường đại học Dân lập Hải Phòng tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy để hoang hóa lâu năm cũng đã thu hồi, đấu giá thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn mới Minh Tân do Công ty CP đầu tư kinh doanh địa ốc Phương Đông là chủ đầu tư…

          Cùng với đó, thành phố tiếp tục rà soát mở rộng hàng trăm dự án khác và phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp hết thời hạn sử dụng đất hoặc chậm và không đưa đất vào sử dụng; đã ban hành quyết định thu hồi đất. Cụ thể, thu hồi đất của Công ty CP ACS Việt Nam tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh với diện tích đất hơn 36ha; Công ty CP đúc Tân Long Constrexim tại số 48 và số 80 Hạ Lý, quận Hồng Bàng với hơn 2,2 ha (đã đấu giá và Công ty CP đầu tư xây dựng Newland thực hiện dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị); Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28, Bộ Quốc phòng tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn với diện tích 12ha (giao quận Đồ Sơn thực hiện dự án tái định cư); Viễn thông Hải Phòng tại phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn với 4.640m2; Công ty CP hóa dầu và Xơ sợi dầu khí tại phường Đông Hải 2, quận Hải An với 4,3ha; Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh với 120ha; Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư EIE tại lô 20A Lê Hồng Phong, Khu đô thị mới Ngã Năm- Sân bay Cát Bi với diện tích 1,3ha…Khu đất gần 5,6ha của Công ty CP Thương mại Kinh Thành tại Cát Bà, Cát Hải cũng hoàn tất thu hồi giao Công ty TNHH Mặt Trời Cát Bà và Công ty TNHH Xây dựng dân dụng Phú Quốc thực hiện dự án. Khu đất hơn 11ha của Công ty CP đầu tư phát triển rừng và kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái Hà Phú đã hoàn thành thu hồi, đang thực hiện thủ tục để đấu giá. Khu đất hơn 3ha của Tường phổ thông nhiều cấp học Nguyễn Tất Thành tại An Đồng, An Dương được giao cho Công ty CP đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy…

           Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp có vi phạm bị thu hồi đất như Công ty CP sản xuất và thương mại Đại Trường Lộc tại phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền với diện tích hơn 5300m2 nợ nghĩa vụ tài chính; Công ty CP thương mại dịch vụ bất động sản Hải Phòng tại ngõ 226 Lê Lai, quận Ngô Quyền với diện tích hơn 1,7ha nhưng nợ tiền thuê đất; cho thuê lại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; Công ty đầu tư và xuất nhập khẩu công nghiệp tàu thủy (này là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hải Phòng) tại phường Máy Chai, quận Ngô Quyền  nợ nghĩa vụ tài chính, hết hạn sử dụng đất; Công ty CP Bến bãi Hải Phòng tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng 1210m2 sử dụng đất khi hết thời hạn thuê đất và cho thuê lại mặt bằng, nhà kho; Công ty TNHH dịch vụ ăn uống Ba Sao tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân với 5862m2 chậm triển khai thực hiện dự án…

                         Khu đất hơn 9000m2 của Công ty Duy Hưng đã được cưỡng chế thu hồi, tổ chức đấu giá thu hơn 633 tỷ đồng

          Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường, thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND thành phố, Hải Phòng thuộc tốp đầu cả nước trong việc xử lý các dự án, công trình chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng. Đến nay, thành phố đã hủy bỏ 70 dự án không triển khai với diện tích 908,07 ha; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai đối với 34 dự án với tổng diện tích 457,58 ha; thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất đối với 73 trường hợp, với tổng diện tích 816,46 ha. Nhiều dự án có giá trị, lợi thế thương mại cao, ở vị trí đắc địa nhưng do nhà đầu tư không còn năng lực tài chính nên thành phố Hải Phòng đã cương quyết thu hồi như: dự án của Công ty Duy Hưng, Công ty EIE mặt đường Lê Hồng Phong, dự án của Công ty LV tại Khu đô thị mới Ngã 5 sân bay – Cát Bi, dự án của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng tại huyện Kiến Thụy.

Sau khi thu hồi đất, thành phố nhanh chóng đưa quỹ đất thu hồi vào đấu giá để thực hiện dự án đầu tư mới, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, góp phần đóng góp cho ngân sách thành phố. Quỹ đất thu hồi của Công ty Duy Hưng tại đường Lê Hồng Phong đã đấu giá thu được trên 633 tỷ động; quỹ đất thu hồi của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng tại huyện Kiến Thụy đấu giá thu được gần 193 tỷ đồng. Đến nay nhà đầu tư trúng đấu giá đang tích cực triển khai dự án mới góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. UBND quận Ngô Quyền đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất thu hồi của Công ty EIE và Công ty LV tại khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi.

Việc đưa các quỹ đất thu hồi vào sử dụng hay việc chủ đầu tư dự án nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được gia hạn sử dụng đất 24 tháng góp phần tăng thu ngân sách thành phố; tiền sử dụng đất, tiền thuê đát thu được khi giao, cho thuê quỹ đất thu hồi là 2,225 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất đối với 69 địa điểm là 163,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mục tiêu đề ra của thành phố  không chỉ nhằm mục đích thu đất của người vi phạm mà quan trọng là lập lại kỷ cương quản lý đất đai; chấm dứt tình trạng giao đất trái thẩm quyền; không đúng quy định pháp luật; khai thác đạt hiệu quả cao hơn nguồn thu từ đất; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận đất đai, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực sự có tiềm năng có điều kiện tiếp cận đất đai thuận lợi để thực hiện đầu tư tại thành phố. Đồng thời, từng bước khắc phục được tình trạng không đưa đất vào sử dụng, “rải chiếu chiếm chỗ”; sử dụng đất lãng phí. Việc thu hồi, hủy bỏ các văn bản giới thiệu địa điểm, các dự án nhiều năm không triển khai đã khắc phục tình trạng quy hoạch, dự án không triển khai và chậm triển khai.

 Đáng chú ý, sau khi rà soát, đưa gia hạn 24 tháng, các chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện dự án như dự án trường FPT của Công ty Thanh Sang tại quận Hải An; dự án Khu phức hợp Vương miện Kim Cương Hải Phòng của Công ty CP Hải Phòng Investment tại quận Hải An; dự án Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp của Công ty CP Thương mại Tùng Long tại quận Dương Kinh… Nhiều doanh nghiệp, tổ chức xác định không đủ năng lực thực hiện tự nguyện trả lại đất…

          Xốc lại tinh thần, quyết liệt hành động

          Những kết quả bước đầu của Hải Phòng trong lập lại kỷ cương quản lý và sử dụng đất đai được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần tích cực chống lãng phí nhưng quan trọng hơn cả là từng bước đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, khát vọng phát triển thành phố.

          Tuy nhiên, công việc này cũng đang vấp phải rất nhiều lực cản từ sự thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật; từ sự chây ỳ, thiếu hợp tác của chủ đầu tư “đã nắm đất trong tay là quyết không rời”, đơn từ khiếu kiện, khiếu nại nhiều nơi nên nhiều trường hợp phải tổ chức cưỡng chế; khó khăn trong xác định giá trị hoàn trả cho doanh nghiệp hoặc đã đã xác định nhưng chưa hoàn trả cho doanh nghiệp (Công ty CP ACS Việt Nam; Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí; Công ty CP Đầu tư phát triển Vạn Xuân…) nên chưa thể đưa đất vào sử dụng…

Dự án Dimond Crown Hải Phòng là một công trình nguy nga, lộng lẫy đã hoàn thành trên khu đất vàng nhiều năm “ngủ yên” tại đường Lê Hồng Phong được thành phố thu hồi, giao cho doanh nghiệp có năng lực thực hiện

           Tại cuộc họp mới nhất của UBND thành phố về nội dung này, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục làm nghiêm công tác rà soát và thu hồi đất đối với các dự án chậm sử dụng, có vi phạm. Đồng thời, cần mở rộng ra cả với diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang hóa, xác định rõ chủ thể và đề xuất biện pháp xử lý. Phó chủ tịch Lê Anh Quân nhấn mạnh, Hải Phòng kiên quyết, kiên trì lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đất đai 2024; đang thực hiện số hóa, thực hiện đề án tổng thể cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm minh bạch hóa thông tin trong quản lý, sử dụng đất đai. Theo đó, quyết tâm không để xảy ra sai phạm mới, tổ chức, cá nhân nào để xẩy ra sẽ xử lý nghiêm.

          Thực tế, năm 2024, số thu ngân sách từ đất của Hải Phòng tăng vọt, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng là nhờ một phần lớn từ các biện pháp kiên quyết trong quản lý sử dụng đất đai. Dự kiến, với cách làm này, Hải Phòng còn có thể thu được hàng chục nghìn tỷ đồng khác từ những mảnh đất kim cương, đất vàng… để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cuộc chiến chống lãng phí nguồn lực đất đai của Hải Phòng đã và đang tới hồi quyết liệt để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm, không để mỗi tấc đất tấc vàng bị lãng phí, tất cả phải được huy động để phục vụ phát triển KTXH, QPAN, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố và đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

                                                                                                                               Nhóm phóng viên kinh tế

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông