Chủ động các biện pháp chăm sóc, quản lý nuôi trồng thủy sản trước, sau bão

10:23 26/09/2024

Trước tình hình bão, lũ diễn biến phức tạp, nhất là khi bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra đối với ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản nói riêng, để giúp bà con nông dân chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, đơn vị chức năng ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc, quản lý nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão.

Bảo đảm an toàn cho ao đầm, bãi nuôi trước khi xảy ra bão

Theo đó, để bảo đảm an toàn cho ao đầm cá nước ngọt trước khi xảy ra bão, người dân cần củng cố, tu bổ và sửa chữa các bờ ao, cống. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên. Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ cuốc xẻng…, gia cố sửa chữa hệ thống bờ bao, cống ngăn chặn, giảm thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra.

Trong trường hợp không thể gia cố bờ bao cao hơn, cần làm hàng rào lưới nilon, các cột tre gỗ vây xung quanh ao để tránh cá đi mất khi nước dâng cao, tràn bờ. Đồng thời, cần đầm nện bờ bao chắc chắn, tránh rò rỉ nước, vỡ bờ; phát quang cây xung quanh bờ để tránh cành lá rụng xuống ao đầm, gây ô nhiễm ao nuôi hoặc đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ bờ bao. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, có kế hoạch thu hoạch, bán khi cá đạt kích cỡ thương phẩm đặc biệt đối với những ao đầm có nguy cơ ô nhiễm môi trường sau bão.

Bổ sung vitamin, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi

Đối với nuôi tôm nước lợ, để bảo đảm an toàn trước khi xảy ra bão, ở những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, người dân cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi, môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.

Đáng chú ý, để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao, để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi, sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.

Cần xả bớt lượng nước bề mặt ao đầm để tránh hiện tượng giảm độ mặn đột ngột. Có biện pháp ngăn nước trên mặt bờ tràn xuống ao kéo theo các chất thải hữu cơ xuống (trên bờ ao nên bố trí các rãnh thoát cùng hệ thống hố ga).

Mặt khác, cần tăng cường rải vôi trên và xung quanh bờ ao (khoảng 10kg/100m2), sử dụng nước vôi trong hòa tan tạt khắp mặt ao đầm (liều lượng 10-20kg/1ha) để tránh hiện tượng giảm pH đột ngột trong ao nuôi. Đảm bảo pH nước ao nuôi từ 7,5 - 8,5 là tốt nhất.

Riêng đối với những ao nuôi công nghiệp cần tăng cường quạt nước, giảm lượng thức ăn (50-70%/lần cho ăn). Bổ sung vitamin, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để tăng sức đề kháng đối với thủy sản nuôi.

Ở những vùng nuôi quảng canh cải tiến, người nuôi cần khẩn trương tận thu

các sản phẩm đến cỡ thu hoạch tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra. Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đối với bãi nuôi nhuyễn thể, trước bão người dân cần kiểm tra, củng cố lại hệ thống đăng chắc chắn, tu bổ chòi canh; san đều ngao tại các điểm bị sóng đánh dồn cục bộ.

Ở những nơi có dòng chảy lớn cần dùng tấm chắn, bạt che chắn phía trước lồng nuôi làm giảm dòng chảy trực tiếp vào lồng, ngăn chặn các vật rắn, gỗ làm hư hỏng lồng bè. Đồng thời, chú trọng triển khai các biện pháp phòng, trị bệnh trong mùa mưa bão, lũ như sung Vitamin vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng, treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước.

Hạn chế cho ăn khi có mưa bão để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; mực nước lũ trên các sông, tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo bệ thủy sản nuôi một cách có hiệu quả.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi

Mặt khác, người dân cần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi; thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định rõ nguyên nhân. Nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ.

Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 2- 3kg/100m3

Thường xuyên theo dõi thời tiết, mức nước, màu nước trong ao nhất là những ngày thời tiết thay đổi để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn. Luôn theo dõi, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi; kiểm soát chất thải hữu cơ trong ao. Định kỳ kiểm tra chất lượng nước, khống chế sự hiện diện của vi khuẩn có hại Vibrio và bổ sung dòng vi khuẩn có lợi cho ao nuôi như Bacillus sp, Nitrosomonas, Nitrobacter…

Tăng cường sức đề kháng cho thủy sản như bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin; sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng, lượng thức ăn hợp lý, không để thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm.

Khi phát hiện động vật thủy sản có dấu hiệu không bình thường, nghi ngờ nhiễm bệnh, hoặc có hiện tượng chết bất thường trong ao nuôi phải báo ngay cho các hộ xung quanh và cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lây lan bệnh trong vùng nuôi.

Khắc phục hậu quả sau mưa bão

Đặc biệt, sau mưa bão, áp thấp nhiệt đới, người dân cần phải xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép.

Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn (nếu cần thiết). Đồng thời, tăng sức đề kháng, thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng chế phẩm sinh học, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm).

Trường hợp có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường nước. Không xả thải nước ao đầm chưa qua xử lý và xác thủy sản nuôi chết ra môi trường bên ngoài, tránh gây ô nhiễm môi trường…

Bình Huệ                                    

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông