Chủ động cho thị trường cuối năm

10:34 17/08/2019

Mặc dù có nhiều chỉ tiêu tăng khá, nhưng những số liệu thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy, một số lĩnh vực tăng trưởng của kinh tế thành phố chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn không ít vấn đề cần phải khắc phục.

Tiêu thụ yếu gây áp lực cho các trung tâm thương mại

Hàng tiêu dùng đang phân hóa

Báo cáo thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 7 chỉ số giá tiêu dùng CPI của thành phố tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 7, CPI tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,59% so với tháng 12-2018. Nhìn vào tổng thể, những con số này đang phản ánh mức độ ổn định của giá cả thị trường.

Theo lý thuyết kinh tế, mức độ tăng giảm CPI là thước đo động lực thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời thể hiện thực trạng lưu thông, tiêu thụ hàng hóa. Chính vì vậy việc kiểm soát CPI có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy vậy, chỉ số CPI được tính toán dựa vào cơ sở tính giá bình quân của nhiều nhóm mặt hàng. Nên trong thực tế, khi những nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng cao, mức chi phối lớn tăng mạnh, thì chỉ số CPI cũng phản ánh sự giảm phát của không ít ngành hàng. 

Đáng chú ý, từ kết quả khảo sát cũng như số liệu thống kê, mức tăng CPI thời gian qua tập trung chủ yếu từ những mặt hàng có tính chất chi phối tầm vĩ mô và các nhóm dịch vụ. Cụ thể trong đó là giá điện, xăng dầu, vàng, ngoại tệ và dịch vụ ăn uống cao cấp, dịch vụ lưu trú… trong khi đó nhóm những sản phẩm bình dân cơ bản không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng giảm mạnh.

Như vậy có thể thấy, dù lạm phát thấp, nhưng sự phân hóa trong phân phối thu nhập của xã hội đang tiềm ẩn sự mất bình đẳng.

Chẳng hạn nhu cầu dân sinh, những mặt hàng quan trọng nhất là lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng… thì đa số giá theo chiều đi xuống. Đơn cử so với tháng 1-2019, giá gạo tháng 7 giảm bình quân 5%, trong đó các loại gạo bình dân có giá dưới 16.000 đồng/kg giảm khoảng 7%.

Trong khi đó, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá, nhưng không phải do nhu cầu tiêu thụ mà bởi những tác động không mấy tích cực. Đơn cử như lợn hơi, thời điểm trong tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã đạt mức 56.000 đồng/kg, sau đó do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi đã lao đốc xuống đáy 35.000 đồng/kg, gần đây lợn hơi tăng mạnh lên 45.000 đồng/kg, nhưng lại do khan hiếm nguồn cung.

Mặc dù vậy, theo phản ánh từ người chăn nuôi, mức giá này cũng chưa đủ để giúp họ có thể đầu tư tái tạo, đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với thị trường lợn thịt trong thời gian tới.

Việc các siêu thị đang đẩy mạnh nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, cho thấy nhu cầu giảm sút tiêu thụ thực phẩm tươi sống ngoài thị trường truyền thống. Bởi ngoài tác động của thời tiết mùa hè, một bộ phận không nhỏ người dân đang tìm đến các nguồn thức ăn rẻ tiền, nhưng vẫn duy trì tiêu chuẩn sinh hoạt đảm bảo đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Gần đây, do ảnh hưởng của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, xu hướng nhập khẩu thực phẩm giá rẻ càng gia tăng, gây áp lực cho các ngành sản xuất trong nước.

Giá gạo giảm đáng kể so với đầu năm

Kỳ vọng vào thị trường cuối năm

Nhìn lại 7 tháng qua, tốc độ tăng trưởng của thương mại thành phố đạt mức khá cao, với tổng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 76.417,01 tỷ đồng, tăng 14,91% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá chung có thể cho rằng, bức tranh thương mại nội địa đang tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên như đã nói ở trên, phân hóa thị trường sẽ dẫn đến tình trạng nhiều nhóm hàng giảm cục bộ, trong khi không ít sản phẩm tăng trưởng mạnh, nhất là những sản phẩm ăn theo mùa vụ.

Đi sâu vào nguyên nhân tác động, thì ngoài yếu tố khó khăn về thu nhập mang tính cơ bản xuyên suốt thời gian dài, còn tác động trực tiếp lại mang tính chất khác như khai thác nguồn hàng, thời vụ và thời tiết, chính sách vĩ mô đối với sản phẩm tiêu dùng thiết yếu...

Chẳng hạn tại thời điểm này, do ảnh hưởng của văn hóa tháng Ngâu, theo thông lệ thị trường đang rất trầm lắng, ngoại trừ một phân khúc hẹp những sản phẩm ăn theo lệ tục. Điều đáng nói, việc tăng giá điện và cách tính bậc thang đã khiến chi phí sinh hoạt của người dân trong mùa hè rất cao, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu mua sắm hàng hóa khác.

Chưa kể gần đây giá xăng dầu có liền mấy đợt tăng, đồng nghĩa với chi phí giá thành sản phẩm đầu vào thị trường tăng theo khi phải gánh thêm cước vận chuyển.

Ở một diễn biến khác, thực tế cũng như dự báo đều cho thấy, năm 2019 sẽ là năm đột phá của xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hải Phòng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm tăng trưởng xuất khẩu đã đạt mức kỷ lục gần 90% so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng ngược lại với điều tích cực này, thì một số chỉ tiêu liên quan đến sản xuất hàng, tiêu thụ hàng hóa cũng đem lại nỗi lo không kém.

Ví dụ chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố tháng 7 giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 12,33% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó nhiều sản phẩm tồn kho chủ yếu tiêu thụ nội địa như sản phẩm từ plastic tồn tăng 49,81%; phân bón tồn tăng 71,81%; thuốc lá tồn tăng 231,44%; xi măng tồn tăng 37,10%...

Trở lại với chỉ số giá tiêu dùng, nếu CPI tăng ở mức vừa phải, được kiểm soát chặt chẽ sẽ thúc đẩy tiêu dùng, khiến năng lực sản xuất phát triển, đồng nghĩa với nguồn đầu tư được linh hoạt, còn vượt tầm sẽ phá vỡ kết cấu, mất kiểm soát lan truyền. Ngược lại, CPI giảm thường đồng nghĩa với sự đóng băng hàng hóa, sản xuất sụt giảm, vốn đầu tư trì trệ…

Xét trong toàn cảnh thị trường, chỉ số tiêu dùng 7 tháng qua của Hải Phòng đang ở mức cận thấp, cũng chưa phản ánh đúng thực trạng hiện tại của kinh tế hàng hóa.

Nhưng điều cần lưu ý nhất, quý 3 đang diễn ra chính là bản lề nối liền với thị trường cuối năm, cũng là lúc dễ bùng phát những yếu tố bất thường. Nếu sự ổn định thị trường được duy trì, thì đó là tín hiệu vui, tuy nhiên nếu xảy ra bất thường, thì việc kiểm soát sẽ gặp nhiều vấn đề.

Thiết nghĩ việc phân tích kỹ lưỡng theo từng phân khúc, sẽ giúp điều chỉnh cơ chế vận hành thị trường hợp lý hơn, nhất là đối với vai trò của những nhà quản lý.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông