Chủ động cho thị trường cuối năm

11:57 26/09/2020

Chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 9, như vậy là thị trường quý 4 sẽ chính thức mở màn. Cũng như mọi năm, đây là thời điểm hứa hẹn nhiều sự nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần nhạy cảm, có tác động mạnh mẽ đến cả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng. Điểm khác biệt của năm nay là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống, nhằm kiểm soát trở lại sự tăng trưởng ổn định, vốn dĩ đã bị phân hóa do dịch bệnh gây ra thời gian qua.

                                                     

Tiếp tục phát huy vai trò của các siêu thị trong bình ổn thị trường cuối năm

Vượt qua thách thức để bứt phá

Bước sang năm 2020, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã đem đến những tác động ngoài dự báo, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, trong đó thương mại – dịch vụ nằm trong nhóm bị tác động mạnh mẽ nhất.

Mặc dù vậy, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Hải Phòng đã giữ vững trận tuyến, về cơ bản ngoài khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội trong quý 2, thị trường Hải Phòng vẫn hoạt động bình thường.

Sau những gián đoạn cục bộ, phân ngành kinh tế thương mại – dịch vụ của thành phố tiếp tục tăng trưởng. Theo số liệu thống kê tính đến hết tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng của thành phố đạt khoảng 91.551 tỷ đồng, tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước. 

Nếu so sánh với những năm trước với mức tăng trưởng luôn đạt 2 con số, thì mức tăng trên quả là khiêm tốn. Nhưng đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới cũng như cả Việt Nam, thì đây là điều hết sức tích cực. Đó cũng là tín hiệu vui cho ngành thương mại, trước những nỗ lực thực hiện chủ đề năm thứ năm liên tiếp “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách -  Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Điều quan trọng là, dù khó khăn nhưng nhờ định hướng tốt việc tái cấu trúc, nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ mới của thành phố theo hướng thương mại hiện đại vẫn tiếp tục được đầu tư và hoạt động ổn định. Trong đó, khu vực thương mại ngoài nhà nước vẫn linh hoạt và giữ vững vai trò trụ cột, dẫn dắt thị trường, góp phần chủ đạo trong thực hiện các chính sách bình ổn.

 Đồng thời cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trả lại sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của yếu tố cá nhân trong phát triển kinh tế. Từ đó góp phần hiệu quả vào việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của chính sách kinh tế chứng tỏ hướng đi đúng trong chủ đề hành động “Cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh” của thành phố.

Ở một diễn biến khác, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành mạnh mẽ ngoài Việt Nam, gây ra đợt khủng hoảng kinh tế mới, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại quốc tế. Trong điều kiện hội nhập, Hải Phòng là một trong những đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, thời gian qua vòng xoáy dịch bệnh tác động rất tiêu cực đến giao thương xuất nhập khẩu, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố vẫn tăng trưởng khá, dẫn đầu nhóm các địa phương xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Chú trọng kiểm soát lưu thông

Hải Phòng vẫn “sạch”, cả nước cũng đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nhưng thực tế dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với gần 32 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới.

Như đã nói, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và vận động theo kinh tế thị trường, những nỗ lực của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung rất đáng mừng, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nỗi lo. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành thương mại, dịch vụ dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn bất ổn, nhất là từ góc độ giá trị hàng hóa.

Điều này càng hiển hiện rõ nếu nhìn vào các yếu tố tác động, ngoài dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bị phân hóa và đứt đoạn, thì những khó khăn tồn tại trước đó vẫn hiện hữu, mà việc giá thịt lợn ở mức cao ngất ngưởng chưa được kiểm soát là mộ ví dụ. Chưa kể nhiều nhóm ngành hàng tiêu thụ tốt lại tập trung vào thị trường xuất khẩu, vì chủ yếu thực hiện gia công theo đơn hàng có sẵn, dẫn đến áp lực tăng nhập khẩu.

Cho thấy, bên cạnh việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ gia công xuất khẩu ít mang lại hiệu quả gia tăng, thì một lượng lớn sản phẩm tiêu dùng được lưu thông trên địa bàn thành phố vốn dĩ được chuyển vào từ khu vực khác, đang gây áp lực lớn cho sản phẩm sản xuất tại chỗ.

Một trong những bài toán luôn đem đến nỗi lo vào thời điểm cuối năm có lẽ là những nguồn hàng nhập lậu, sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh kém lành mạnh, đồng thời làm khó cho việc kiểm soát thị trường, cũng như điều chỉnh các chính sách khác.

Hơn nữa, những diễn biến liên quan đến biến động giá vàng và tỷ giá ngoại tệ gần đây, cũng đang có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thanh khoản hai chiều. Nhất là đối với các doanh nghiệp phải lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn, công nghệ và nguyên vật liệu của nước ngoài.

Nhìn vào bản đồ thương mại nội địa, ngay cả những sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường cũng bộc lộ nhiều bất cấp về nguồn gốc, tác động không nhỏ đến mô hình kinh tế thương mại.

Chẳng hạn ở các siêu thị, mặc dù về hình thức đa số các sản phẩm có xuất xứ trong nước, nhưng thực tế cũng đa phần trong số đó là các sản phẩm gia công từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Chính vì sự mất cân đối này, nên trong chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, thành phố đang phấn đấu hạn chế dần các mô hình sản xuất gia công, có giá trị gia tăng thấp, tiêu hao tài nguyên, năng lượng. Còn ở khu vực thị trường truyền thống, sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu cũng tràn lan, mà chỉ bằng mắt thường cũng cảm nhận được.

Trên thực tế, khả năng thúc đẩy thương mại toàn diện sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, là lúc mật độ đáo hạn các hợp đồng kinh tế dày hơn, sẽ khiến thị trường tiền tệ thêm nhộn nhịp. Cũng cần phải lưu ý rằng, trong hoàn cảnh các hiệp định thương mại tự do được Việt Nam tham gia đang phát huy hiệu quả, mà EV-FTA là một điển hình.

Nhiều sản phẩm thuần Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ những nước phát triển, đòi hỏi sự linh hoạt cao hơn của các thành phần kinh tế thành phố. Nhưng điều quan trọng nhất, thị trường cuối năm phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố truyền thống, nếu không có sự chủ động thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động khó lường.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích