09:51 23/09/2018 Mặc dù có những phiên giao dịch khá ổn định trong những ngày qua, nhưng trước diễn biến mới của thị trường tiền tệ cả trong nước và thế giới, giá vàng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Nhất là thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, mà theo thông lệ thì ảnh hưởng của vàng và tiền tệ đối với thị trường luôn rõ nét vào quý Tư.
Đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế, sẽ giúp doanh nghiệp Việt thêm ổn định hơn?
Tiềm ẩn từ giá vàng
Cách đây đúng 10 năm, giá vàng bình quân trên thị trường Việt Nam vào tháng 10-2008 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tại thời điểm này, với mức giá bình quân 36,5 triệu đồng/lượng, giá vàng đang cao hơn gấp hơn hai lần. Mức tăng trong 10 năm như vậy cũng khá cao, nhưng cần phải nhắc lại rằng, đỉnh giá của giá vàng trong vòng 10 năm qua có lúc đã lên tới gần 50 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy, sự biến động của vàng mang một đặc thù riêng, không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường như các nhóm hàng hóa thông thường.
Dù cách thức xuất hiện trên thị trường luôn thay đổi theo sự vận động chung mang tính vĩ mô, nhưng vàng vẫn giữ nhiều chức năng rất quan trọng trong đời sống xã hội như tích lũy, trao đổi, đầu tư hay là thước đo cho nhiều loại hàng hóa khác. Thời gian gần đây, khi các môi trường đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán, kinh doanh… kém hấp dẫn, thì nguồn đầu tư cho vàng cũng thêm được quan tâm.
Chính vì vậy, mỗi khi thị trường vàng biến động thì hệ lụy tác động của loại hàng hóa đặc biệt này cũng khôn lường, nhất là ở Việt Nam, nguồn vàng tích lũy nhàn rỗi của nhân dân vẫn chưa thể thống kê chính xác và rất khó kiểm soát, nên rủi ro đến từ vàng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Nhưng khác với truyền thống, sự vận động của thị trường vàng hiện cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn trước kia giá vàng trong nước tích hợp tác động của cả thị trường thế giới và trong nước, trong đó tác động trong nước luôn chiếm ưu thế. Nhưng mấy năm trở lại đây, dấu ấn hội nhập ngày càng rõ nét, giá vàng trong nước tăng giảm chủ yếu theo giá thế giới, dẫn đến các sự kiện kinh tế thế giới nắm thêm quyền “khấy đảo” thị trường vàng Việt Nam.
Chẳng hạn cách đây hai năm, việc Vương quốc Anh rời khỏi EU (Brexit), đã dẫn đến một đợt biến động đáng kể của giá vàng, và trong nước cũng có xuất hiện một đợt sốt, dù chưa đến mức “khủng” như cuối năm 2011, nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn tiêu cực. Tại thời điểm này, theo phân tích của các chuyên gia, kinh tế thế giới được cấu thành bởi quá nhiều yếu tố, vàng chỉ là một kênh tham chiếu với những tác động nhất định. Nhưng dù vậy, trong hoàn cảnh nào thì vàng cũng luôn sát cánh cùng các loại tiền tệ, nên mỗi khi tiền tệ bất ổn, giá vàng thế giới cũng bất ổn theo.
Đây chính là nỗi lo mà kinh tế thế giới đang thắc thỏm, khi mà cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xuất hiện nhừng yếu tố mới.
Trong bối cảnh đó, những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ phải cùng lúc xử lý hai vấn đề tác động. Một là tác động cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập, hai là tác động tâm lý xã hội, mà những thị trường ít kinh nghiệm như Việt Nam thường phản ứng rất khó lường.
Đơn cử với vàng, khi giá vàng thế giới tăng cao, một phần người tiêu dùng lại đổ đi tích vàng sẽ dẫn đết các đợt sốt giá, đồng thời xu hướng tiết kiệm bằng vàng sẽ làm giảm giá trị của các phương tiện thanh toán khác, ảnh hưởng không tốt đến kiểm soát lạm phát.
Lo chung cho thị trường tiền tệ
Tính kết nối giữa thị trường tiền tệ với sản xuất và thương mại là mối quan hệ cơ hữu truyền thống, vì thế tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Dù chỉ diễn ra thời gian ngắn, cũng sẽ gây biến động cho thị trường tiền tệ, khi cán cân thanh khoản giữa các bên liên quan bị điều chỉnh. Còn nếu thời gian kéo dài, sẽ tạo khủng hoảng không nhỏ, nhất là sự kết cấu lại bản đồ đầu tư mang tính toàn cầu.
Điều đáng nói là, những năm gần đây tình hình kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhưng cùng với đó, những biến động xuất hiện trên thị trường tiền tệ đang mang lại tác động đa chiều, ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, đồng USD đang trải qua đợt tăng giá mạnh mạnh mẽ, nên trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, biến động của USD đã làm thay đổi toàn diện thị trường. Chẳng hạn, USD tăng giá đã khiến những ngoại tệ thuộc các nền kinh tế mạnh khác lao dốc, như Euro (Liên minh châu Âu) Yên (Nhật) hay Nhân dân tệ (Trung Quốc)…
Vấn đề quan trọng là, việc đồng USD tăng giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, vì hầu hết việc thanh toán hiện chủ yếu vẫn dùng USD. Nên khi VND mất giá với USD thì đương nhiên giá trị hàng hóa nhà xuất khẩu sẽ bị sụt giảm.
Ngược lại, nhờ các ngoại tệ khác giảm giá nên một số hoạt động nhập khẩu sẽ có lợi khi việc thanh toán được chuyển sang nội tệ từ nước nhập (trừ Mỹ). Điều này có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước, nhưng sẽ khiến thị trường có nguy cơ phân hóa hoặc phải cơ cấu lại, do thay đổi giữa hai chiều xuất nhập hàng hóa.
Tại thị trường trong nước, trong thời gian dài hệ thống các ngân hàng chủ đạo đã cố gắng giữ mức khá ổn định tỷ giá giữa nội tệ và ngoại tệ, để đảm bảo tính cân bằng trong các hoạt động thanh khoản.
Thời gian đang tiến dần về cuối năm, rất có thể nỗi lo cho Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung sẽ xuất hiện từ quý 4, là thời điểm đáo hạn của các hợp đồng sản xuất, kinh doanh và công nợ đối ngoại. Kinh nghiệm của những năm trước đã thể hiện rõ, bên cạnh việc thanh khoản của hoạt động xuất nhập khẩu của hệ thống thương mại chính ngạch, khiến vòng chu chuyển tiền tệ “xoay” mạnh, thì thị trường ngoại tệ tự do (chợ đen) cũng luôn sôi động.
Thực tế dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách kiểm soát, nhưng hiện ngoại tệ “chợ đen” vẫn giữ vai trò chi phối lớn, gắn liền với thương mại ngoài luồng như xuất nhập khẩu tiểu ngạch, buôn bán hàng lậu, hàng cấm…
Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán trong hợp đồng mới, chọn phương tiên thanh toán bằng nội tệ của nước nhập khẩu (chẳng hạn châu Âu là EURO, Nhật Bản là đồng Yên), sẽ hạn chế được sự lệ thuộc vào USD.
Nhưng vì giữ vai trò là đầu mối xuất nhập khẩu lớn của khu vực phía Bắc, dù nhiều hay ít thì Hải Phòng cũng phải chịu tác động trực tiếp, nhất là các hoạt động tiểu ngạch, việc thanh khoản phải lệ thuộc nhiều vào nguồn ngoại tệ ngoài luồng. Đây sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn khó dự báo đối với thị trường.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão