19:24 27/07/2021 Những ngày này, 19 tỉnh thành phố khu vực phía Nam đang triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, để phòng, chống dịch bệnh. Điều tất yếu là người dân sẽ phải đối mặt với những áp lực bộn bề, nhất là những sinh hoạt thiết yếu ở địa phương đông dân như TP Hồ Chí Minh. Qua các kênh thông tin cho thấy, một trong những mặt hàng thiếu nhất những ngày qua đó là rau xanh, khi việc khai thác nguồn cung và lưu thông gặp khó.
Tình trạng khan hiếm rau xanh cũng đã từng xảy ra trong các siêu thị thời điểm Hải Phòng giãn cách xã hội
Thấy gì từ thị trường phía Nam
Với ưu thế của vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam, khu vực phía Nam vốn dĩ là một trong những nguồn sản xuất và cung ứng nông sản lớn nhất cả nước, trong đó Hải Phòng cũng là địa phương tiêu thụ số lượng không nhỏ rau củ quả các loại được chuyển ra từ miền Nam.
Tuy nhiên, thông tin từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội cho thấy, rau xanh trở thành mặt hàng thực phẩm bị “săn lùng” nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh, khi mà các siêu thị cháy hàng, chợ truyền thống hoạt động cầm cự, giá rau có lá rao bán trên mạng Online có lúc lên tới 40 nghìn đồng/kg (đồng giá). Qua trao đổi trực tuyến với một số người Hải Phòng đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, thì trong mấy năm trở lại đây chưa khi nào người dân phải gặp hoàn cảnh như vậy.
Điều đáng lưu ý như đã nói ở trên, vùng đồng bằng Nam bộ là nguồn cung dồi dào rau củ quả các loại, chưa kể thời điểm này là mùa rộ của những loại rau truyền thống. Như vậy, vấn đề đương nhiên phát sinh ở khâu bố trí khai thác và vận hành lưu thông, rất có thể trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg, công tác triển khai có phần lúng túng.
Đáng mừng là, những bất cập đã được các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, bằng cách thay đổi phương thức kiểm soát lưu thông và cho mở cửa trở lại một số chợ truyền thống. Đây có lẽ là bài học kinh nghiệm cần đúc rút cho các địa phương khác mà Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ, khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp.
Đối với Hải Phòng, vào thời điểm nửa đầu năm 2020, thành phố cũng đã từng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất. Trong thời gian đó, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chủ động của cả hệ thống, bao gồm sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân, đã giúp thành phố có một thị trường cơ bản ổn định, nguồn cung được khai thác đầy đủ, lưu thông điều phối nhịp nhàng.
Tất nhiên so với TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng có diện tích cũng như dân số nhỏ hơn, cũng gặp nhiều thuận lợi hơn, nhưng điều quan trọng nhất là cách thức triển khai thực hiện.
Mặc dù vậy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội năm 2020, thị trường thành phố cũng đã có những khoảng biến động cục bộ. Ngoài việc người dân đổ xô đi tích trữ lương thực, thực phẩm trước giãn cách, đã xuất hiện tình trạng khan hiếm rau củ quả, khiến giá cả nhóm hàng này cũng có lúc bị đẩy lên khá cao.
Nguyên nhân là nguồn khai thác của các siêu thị tổng hợp tại Hải Phòng lệ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, khi lưu thông gặp khó đã dẫn đến dứt đoạn chuỗi cung ứng. Rất may, thời điểm đó Hải Phòng vẫn duy trì ngay từ đầu hoạt động của chợ truyền thống, nên sự linh hoạt của các tiểu thương đã phát huy hiệu quả.
Cần phân loại rõ nguồn rau để chủ động tích trữ và bảo quản khi cần thiết
Cần chủ động kịch bản cho Hải Phòng
Kết quả khảo sát cho thấy, rau củ quả tại thị trường thành phố được hình thành 3 nguồn chính: nguồn tại chỗ từ các vùng trồng của thành phố; nguồn lân cận từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình; phần còn lại được nhập từ Trung Quốc và một số tỉnh phía Nam.
Trong đó nguồn tại chỗ chủ yếu là rau có lá, nguồn các tỉnh lân cận tương đối đầy đủ các dạng rau, còn nguồn từ phía Nam và Trung Quốc lại nghiêng về các loại củ quả có thể bảo quản lâu hơn.
Thực tế thì Hải Phòng là thành phố công nghiệp, nên thế mạnh canh tác rau màu không thể so sánh với các tỉnh lân cận như Thái Bình hay Hải Dương. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố cũng có nhiều vùng trồng chuyên canh, có thể kể như An Thọ, Mỹ Đức (An Lão) Tú Sơn, Thụy Hương (Kiến Thụy), cùng diện tích khá lớn ở hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng.
Nhưng mấy năm gần đây, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số địa phương chuyên về cây công nghiệp, dẫn đến diện tích rau xanh bị thu hẹp. Chưa kể còn một nguyên nhân nữa đáng lưu ý, là tình trạng nông dân bỏ ruộng khá nhiều, nên diện tích rau màu chính vụ còn hạn chế, nói gì thâm canh tái tạo bù đắp.
Từ bài học kinh nghiệm ở phía Nam trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, cho thấy một số vấn đề chính tác động trực tiếp đến thị trường. Thứ nhất là việc phân loại nhóm thực phẩm thiết yếu để chủ động tích trữ, trong đó không thể đánh đồng giữa lương thực, các loại củ quả với các loại rau có lá, vì nhu cầu sử dụng khác nhau.
Thứ hai là cách thức triển khai kiểm soát vận tải, một trong những điểm mấu chốt trong lưu thông hàng hóa nói chung và lương thực, thực phẩm nói riêng. Thứ ba là huy động nguồn lực khai thác và lưu thông cần linh hoạt bao gồm cả doanh nghiệp và tiểu thương, cả siêu thị và chợ truyền thống, vì phân khúc thị trường cho từng kênh lưu thông đã rất rõ. Thứ tư là cần có cơ chế vận hành và kiểm soát đặc thù riêng cho toàn bộ hệ thống lưu thông, để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa giữ ổn định thị trường.
Một vấn đề nữa đặt ra là, tại Hải Phòng hiện tiểu ngành kinh tế rau màu vẫn gặp lúng túng vì quy hoạch chưa thực sự mang tính định hướng. Bên cạnh một số vùng trồng chuyên canh, nhiều bà con nông dân vẫn sản xuất thụ động theo dự báo thị trường, nên dễ bị mất cân đối trong cơ cấu phân phối.
Trong khi đó tình trạng người dân bỏ ruộng cũng đang phổ biến, do ngành nông nghiệp đang thiếu người làm, vì lao động nông thôn dồn về các khu cụm công nghiệp, có công việc ổn định và thu nhập cao hơn.
Mặt khác, ngay tại các khu vực chuyên canh đã được quy hoạch, tính kết nối giữa nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà tiêu thụ chưa đủ mạnh để tạo sự chủ động cho người dân. Với rau xanh, việc tiêu thụ chủ yếu vẫn thông qua các thương lái nhỏ lẻ, còn kênh phân phối lớn như các siêu thị hầu như không trực tiếp nhập rau tại Hải Phòng.
Điều này rất dễ phát sinh đứt gãy chuỗi cung ứng nêu việc triển khai kiểm soát lưu thông không hợp lý, cần chủ động nhiều kịch bản thích ứng cho Hải Phòng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và khó dự báo.
Lê Minh Thắng