16:41 08/03/2020 Ngày 7-3, do tác động của thông tin về dịch Covid - 19 khiến người dân trên địa bàn thành phố đổ xô đi mua hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ gây nhiễu loạn thị trường và hoang mang dư luận xã hội. Tuy nhiên, tối 7-3, ngay khi thông tin về kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 đối với ông N.K.T (bố của bệnh nhân N.H.N) và ông V.H.S (lái xe của ông T.) đã khiến thị trường hàng hóa dần trở lại bình thường.
Để đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn giá trên địa bàn thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19, sáng 8-3, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành chủ trì đã chủ trì cuộc họp nghe các sở ngành, địa phương và các trung tâm thương mại, siêu thị… lớn trên địa bàn báo cáo về các mặt công tác phòng chống dịch, diễn biến thị trường; công tác dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Nhóm phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã lược ghi những ý kiến của các sở ngành, đơn vị doanh nghiệp tại cuộc họp.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tiến Sơn
Trong các ngày 6 và 7-3, trước thông tin về dịch bệnh liên quan đến một nữ bệnh nhân trên chuyến bay VN0054, Hải Phòng đã tiến hành cách ly, kiểm tra y tế đối với bố của nữ bệnh nhân và lái xe riêng của ông. Qua xét nghiệm, cả hai trường hợp đều âm tính.
Với ngành y tế, theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, khi xây dựng kế hoạch đã xây dựng nhiều cấp độ cung ứng về: trang thiết bị y tế, số lượng thuốc, khẩu trang, phương tiện phòng hộ cho đội ngũ y tế, bệnh nhân, hóa chất phun khử trùng, cơ sở cách ly...
Theo đó cấp độ 1 là dưới 20 trường hợp bệnh nhân dương tính; cấp độ 2 từ 20-300 trường hợp bệnh nhân dương tính; cấp độ 3 từ 300-500 trường hợp bệnh nhân dương tính; cấp độ 4 là trên dưới 1.000 trường hợp bệnh nhân dương tính… Tất cả phương án này đã xây dựng xong. Đối với cấp độ 1, ngành y tế đã báo cáo với UBND TP có phương án.
Đối với hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thành phố đã có 2 cuộc họp chỉ đạo triển khai; với những đơn vị phải cách ly, địa điểm cách ly, thành phố sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ tại các địa điểm đó. Hiện theo báo cáo, có bổ sung thêm thôn Trại, xã Thủy Đường, Thủy Nguyên và tổ dân phố Trần Văn Lan, phường Cát Bi, quận Hải An... là những nơi có người cùng với chuyến bay VN0054 với bệnh nhân H.N. Ngoài ra các trường hợp cùng chuyến bay với bệnh nhân H.N là khách nước ngoài cũng đã được cách ly tại cơ sở ngoài Cát Hải...
Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng Bùi Quang Hải
Ngày 7-3, sức tiêu thụ hàng hóa tại các siêu thị, chợ, điểm bán lẻ… tăng đột biến so với ngày thường gây ra tâm lý hoang mang. Tuy nhiên sáng ngày 8-3, tại các siêu thị, chợ, điểm bán lẻ… mọi hoạt động mua bán đã trở lại bình thường.
Qua làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý bán lẻ, các đơn vị đều đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân. Kiểm tra thực tế tại các kho hàng ghi nhận còn hàng và vẫn tiếp tục nhập hàng về. Đối với những vùng cách ly Tân Lập, phường Tân Thành, quận Dương Kinh và thôn Trại, xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên), tổ dân phố Trần Văn Lan, phường Cát Bi, quận Hải An… đề nghị thành phố có chỉ đạo cụ thể việc đưa hàng hóa. Hiện các siêu thị, trung tâm thương mại không thiếu hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu nhưng người dân không phải ai cũng có thể đến địa điểm này mua hàng, vì vậy các địa phương cần xây dựng kịch bản, kế hoạch cung cấp hàng hóa chuyển Sở Công thương phối hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại đưa hàng hóa về địa phương hoặc tổ chức những phiên chợ ngắn ngày tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua được hàng hóa nhu yếu phẩm thiết thực; tránh tình trạng tâm lý hoang mang đổ xô vào các trung tâm, siêu thị mua hàng hóa và những người đầu cơ tích trữ sẽ lợi dụng cơ hội mua, bán ra với giá cao hơn.
Chiều 7-3, tại cuộc họp do Bộ Công thương tổ chức, các tổng công ty, đơn vị sản xuất, đơn vị bán hàng đều khẳng định không thiếu hàng hóa, nếu người dân có nhu cầu thì thời gian mở bán sớm hơn và đóng cửa muộn hơn.
Hiện Bộ Công thương đã đưa ra kịch bản cung cấp hàng hóa theo các phương án: kéo dài hết quý I, kéo dài hết quý II và kéo dài hơn nữa. Đề nghị thành phố chỉ đạo việc xây dựng kịch bản để thống nhất về chủng loại hàng hóa cũng như cách thức triển khai thực hiện....
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Phạm Văn Thép
Hiện trên địa bàn thành phố, diện tích rau các loại là 3.500 ha, cho thu hoạch từ nay đến hết tháng 5; năng suất bình quân ước 16,3 tấn/ha; sản lượng 57.200 tấn, tương đương 1 ngày có khả năng cung cấp khoảng 815 tấn rau các loại cho thị trường trong khi nhu cầu rau trên địa bàn thành phố 1 ngày cần 800 tấn, như vậy đảm bảo đủ lượng rau xanh phục vụ nhân dân thành phố.
Sản lượng thóc vụ mùa năm 2019 là 186.148 tấn, tương đương 131.000 tấn gạo. Đến nay người dân đã sử dụng khoảng 75.600 tấn gạo. Như vậy lượng gạo trong dân còn lại khoảng 54.704 tấn, đủ cung cấp cho 90 ngày. Trong khi tại Cục Dự trữ khu vực Đông Bắc số lượng dự trữ vẫn còn dồi dào.
Về sản xuất chăn nuôi, sản lượng thịt lợn hơi sản xuất là 2.694 tấn, trong tháng 3 trên địa bàn thành phố còn thiếu khoảng 1.920,8 tấn thịt lợn hơi. Sản lượng thịt gia cầm hơn là 5.524 tấn, như vậy trong tháng 3 trên địa bàn thành phố dư khoảng 2.723,8 tấn. Sản lượng trứng gia cầm sản xuất là 31.039.000 quả, dư khoảng trên 11.000 quả trong tháng 3. Sản lượng thịt gia cầm dư khoảng trên 2.700 tấn có khả năng bù đắp sản lượng thịt trâu, bò phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Khả năng thu hoạch thủy sản nuôi trồng trong tháng 3 khoảng 6.000 tấn, tương đương bình quân 200 tấn/ngày. Khả năng khai thác thủy sản tháng 3 là 8.000 tấn, tương đương bình quân 267 tấn/ngày. Như vậy bình quân 1 ngày khả năng tự cung cấp thủy sản trên địa bàn khoảng 467 tấn trong khi nhu cầu sử dụng thủy sản bình quân cho toàn thành phố 1 ngày khoảng 300 tấn…
Vũ Thị Thu Hương – Giám đốc Big C Hải Phòng
Cách đây 1 tháng, đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị, dự trữ hàng hóa cung cấp cho nhân dân thành phố để phòng, chống dịch Covid - 19 nên khi xảy ra sự việc người dân tăng đột biến mua hàng ngày 7-3, Big C không bị thiếu hụt hàng hóa. Cụ thể, riêng trong ngày 7-3, lượng hàng hóa Big C bán ra tăng gấp 5 lần so với ngày thứ 7 tuần trước. Ngay từ sáng sớm, đơn vị đã có kế hoạch giới hạn số lượng mua đối với khách hàng cá nhân để hàng hóa có thể đến tay tất cả mọi gia đình có nhu cầu về hàng hóa. Sáng 8-3, Big C đã chuẩn bị hàng hóa đầy các kệ hàng sẵn sàng phục vụ người dân nhưng mọi hoạt động mua bán đã trở về bình thường.
Chiều 7-3, Sở Công thương đến kiểm tra thực tế tại Big C, qua kiểm tra thực tế kho hàng vẫn còn nhiều hàng hóa. Dự phòng tình huống nếu vẫn tiếp diễn tình hình như ngày 7-3 thì Big C vẫn không thiếu hàng. Tuy nhiên đơn vị cũng không chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã làm việc với các nhà cung cấp, hộ nông dân, hợp tác xã để tăng cường cung ứng lượng hàng cho Big C, nhất là tại Hà Nội, Hải Phòng. Đơn vị tiếp tục có kế hoạch chủ động trữ hàng lớn và thuê container trữ hàng giống như tết Nguyên đán... Khi thành phố có yêu cầu, doanh nghiệp sẵn sàng cùng ngành Công thương đưa hàng đến phục vụ nhân dân…
Giám đốc Trung tâm MM Mega Market Hồng Bàng Nguyễn Tiến Dương
Ngay sau tết, MM Mega Market đã lên kế hoạch ký kết với các nhà cung cấp, đặc biệt là những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân. Đồng thời tăng 40% các loại mặt hàng và dừng tất cả chương trình bán buôn các mặt hàng lương thực thiết yếu để tập trung phục vụ bán lẻ.
Cách đây 1 tháng, thành phố đã có cuộc kiểm tra và đánh giá cao tình hình cung ứng, dự trữ hàng hóa của Trung tâm MM Mega Market Hồng Bàng. Dự trù được tình huống, tối 6-3, đơn vị đã tiến hành họp, đặc biệt trọng tâm là khu vực Hải Phòng và Hà Nội để đưa ra kế hoạch bán hàng vào sáng 7-3. Đơn vị đã huy động 100% nhân viên tăng ca từ sáng, số lượng hàng hóa bán ra tăng gấp 5 lần ngày thường. Hiện doanh nghiệp vẫn đang còn trong kho 5.000 tấn gạo, 6.000 đồ hộp các loại… và sáng 8-3 vẫn tiếp tục nhập hàng. Trên thực tế MM Mega Market Hồng Bàng có thể cung ứng lượng hàng 5 ngày liên tục với sức mua như ngày 7-3 mà không cần phải chi viện thêm hàng hóa. Ghi nhận sức mua của người dân sáng 8-3 tại Trung tâm MM Mega Market Hồng Bàng đã trở lại bình thường…
Giám đốc Sài Gòn Coopmart Chi nhánh Hải Phòng Lê Ngọc Nam
Doanh thu hôm 7-3 của Coopmart Chi nhánh Hải Phòng tăng đột biến 5 lần so với bình thường. Trong đó trữ lượng tiêu thụ hàng hóa thiết yếu như mỳ gói, gạo, thịt lợn… chiếm hơn 60% lượng tiêu thụ hàng hóa. Doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa lên 40%. Trong đó ưu tiên khu vực phía Bắc, nhất là Hà Nội, Hải Phòng.
Hiện nay đã có chính sách của công ty ưu tiên hàng hóa cho Hải Phòng. Trữ lượng hàng hóa cung cấp cho Hải Phòng tăng 200%, trong đó có 8.000 thùng mỳ trong kho, gạo hơn 4 tấn. Doanh nghiệp cũng có những điều chỉnh để người dân mua số lượng giới hạn cũng như tách ra bán với số lượng nhỏ lẻ để người dân có nhu yếu phẩm dùng hàng ngày.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề nghị thành phố có những biện pháp nhằm kiểm soát, xử lý một số đối tượng mua hàng sau đó bán với giá gấp đôi, gấp ba để trục lợi. Về yêu cầu về việc mở cửa sớm, đóng cửa muộn phục vụ nhu cầu mua hàng của nhân dân doanh nghiệp sẵn sàng chuẩn bị nhân lực triển khai thực hiện. Đối với việc vận chuyển hàng hóa đến cùng có sự chuẩn bị cách ly sẽ phối hợp với thành phố, chuẩn bị nhưng đề nghị địa phương hỗ trợ phương tiện vận chuyển…
Nhóm PV
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão