01:11 17/05/2014
Nói với cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đấu tranh bảo vệ chủ quyền là bình đẳng giữa các quốc gia, không có chuyện sợ hay không sợ. Không khí tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, TP HCM trước kỳ họp Quốc hội của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sáng 16/5 "nóng" hẳn vì vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Cử tri Nguyễn Văn Bông (Hội Luật gia TP HCM) cho rằng, có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Vì vậy, việc làm của Trung Quốc là vi phạm công ước quốc tề về Luật biển. "Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa việc vi phạm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế", ông Bông nêu ý kiến. Cử tri Vương Liêm (Hội người cao tuổi TP HCM) đề nghị các đại biểu Quốc hội cho biết ý kiến về việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, rồi lại đưa nhiều tàu chiến, máy bay ra uy hiếp lực lượng chức năng của ta. "Tôi thấy việc đặt giàn khoan không đơn giản. Trước khi Trung Quốc muốn hạ đặt thì phải thăm dò, nhưng tại sao vụ việc xảy ra từ đầu tháng 5 mà mãi cho đến mấy ngày sau lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư của chúng ta mới có mặt? Phải chăng chúng ta đã bỏ trống biên giới hải đảo nên phản ứng chậm", ông Liêm nói. Bày tỏ rất quan tâm về vấn đề chủ quyền đất nước đang bị xâm phạm, cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh) nói việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia trước nhiều thách thức như hiện nay là cực kỳ nghiêm trọng, cần đặc biệt quan tâm vấn đề an ninh quốc phòng, luôn trong tư thế chủ động. Theo vị cử tri này, những ngư dân trên biển là một lực lượng quan trọng của thế trận nhân dân trên biển. Chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn cho lực lượng này, vì họ vừa lao động vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cũng liên quan đến vấn đề phản đối Trung Quốc nhưng cử tri Trần Quang Tuấn (phường Bến Nghé) lại tỏ ra lo lắng vì các vụ lợi dụng việc công nhân biểu tình yêu nước để đập phá các công ty nước ngoài trong những ngày qua. "Vì sao lực lượng công nhân mình lại dễ bị kích động và lôi kéo như thế? Phải chăng 20 năm nay chúng ta mải lo thu hút đầu tư mà buông lỏng chăm lo, giáo dục cho các công nhân", ông Tuấn đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội. Trước những lo lắng, băn khoăn của cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam không chỉ gây bức xúc trong nước mà còn cả ở dư luận quốc tế. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, rõ ràng lô 143 này là của Việt Nam. Giải thích về thời điểm Trung Quốc chở giàn khoan đi trên biển mà Việt Nam không có phản ứng, Chủ tịch nước cho hay, ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, tàu bè các nước được tự do đi lại theo Luật hàng hải Quốc tế. Khu vực này khác với vùng nội thủy. "Nhưng khi họ dừng lại để hoạt động trong vùng 200 hải lý của ta là vi phạm luật quốc tế và ngay lập tức Việt Nam đã phản ứng", Chủ tịch nước nói. "Chúng ta ở hậu phương, cần phải phân biệt rõ ràng để không trách lầm những cảnh sát biển và kiểm ngư đang chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí. Đừng để anh em nghe được sẽ buồn, họ đã thề là sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ quyền đất nước", Chủ tịch nước nói. Người đứng đầu Nhà nước cũng cho biết, từ khi vụ việc xảy ra, giữa 2 nước đã giao thiệp hơn 10 lần kể cả cử người gặp và điện đàm. "Chúng ta đã nói rõ quan điểm trong công hàm, trong những lần giao thiệp với Trung Quốc. Lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc họp ở nơi này nơi khác vẫn nói rõ như vậy. Có một số ý kiến cho là chúng ta sợ, nhưng không có chuyện đó. Giữa các quốc gia là bình đẳng, không có chuyện sợ hay không sợ", Chủ tịch nước khẳng định. Chủ tịch nước kêu gọi người dân cần phải kiềm chế, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kiên trì đấu tranh bằng tất cả những biện pháp hòa bình và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. "Đến lúc này chưa có nước nào ủng hộ hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc cả. Anh (Trung Quốc) nói khu vực đó của anh, tôi nói của tôi, không giải quyết được thì cuối cùng phải đưa ra toà quốc tế", Chủ tịch nước nói. Về các hành động quá khích của các công nhân, Chủ tịch nước cho biết đây là những hành vi hoàn toàn sai trái, tự hại mình, đáng lên án. "Chúng ta mời các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và cam kết bảo vệ họ, mà giờ đi đập phá công ty của họ. Những hành vi này sẽ bị xử lý thích đáng", Chủ tịch nước nói và cho biết vụ việc đã xảy ra, nhiệm vụ bây giờ là phải nhanh chóng khắc phục tình hình sản xuất trở lại bình thường, đồng thời làm công tác tư tưởng với các nhà đầu tư để họ yên tâm làm ăn lâu dài. Kết thúc buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước kêu gọi người dân càng khó khăn càng cần phải đoàn kết, đồng thời ra sức phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh "Một đất nước nghèo, kém phát triển thì không thể có tiềm lực mạnh để giữ vững chủ quyền đất nước", Chủ tịch nước nói. Theo VNE |
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024