14:56 10/11/2021 Chủ tịch Quốc hội lưu ý kinh nghiệm “hỏi nhanh, đáp gọn,” mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi trong phạm vi một phút, Bộ trưởng trả lời mỗi vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra trong phạm vi 3 phút.
Sáng 10/11, bước vào ngày làm việc tập trung thứ ba tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây cũng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp, làm cho hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức hoạt động giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu, mà còn là một dịp để tương tác, bổ trợ cho hoạt động giám sát khác, cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.
Thành công của phiên họp chất vấn lần này là một yếu tố để đảm bảo cho thành công của Kỳ họp thứ 2. Kết quả của phiên chất vấn đầu tiên này trong nhiệm kỳ cũng là tiền đề tiếp tục rút kinh nghiệm cho các phiên chất vấn của các kỳ họp sau được tốt hơn.
Về việc lựa chọn chủ đề chất vấn và người được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết căn cứ vào đề nghị của 63 đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, việc chất vấn bằng phiếu của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai và tình hình nổi lên qua các phiên thảo luận ở các tổ liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã lựa chọn ra 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực bao gồm một số vấn đề quan trọng nhất để thảo luận kỹ lưỡng với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các cơ quan Quốc hội và đã biểu quyết chọn ra 6/12 vấn đề được xem xét.
Sáu vấn đề này đã được Tổng Thư ký lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, chọn ra 5 vấn đề, 5 nhóm lĩnh vực và trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở 5 nhóm vấn đề đó, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn ra 4 vấn đề sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 2 này.
Đó là các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế đối với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long; vấn đề liên quan đến lao động, việc làm và các vấn đề xã hội liên quan đến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; và vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn.
Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo thêm một số vấn đề thuộc 4 lĩnh vực nêu trên mà Quốc hội quan tâm và trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nêu rõ cách thức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đã được quy định trong Luật Giám sát và nội quy của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý kinh nghiệm “hỏi nhanh, đáp gọn”, mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi trong phạm vi một phút, Bộ trưởng trả lời mỗi vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra trong phạm vi 3 phút.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1-2 vấn đề trọng tâm để chất vấn, tạo điều kiện cho Bộ trưởng, Trưởng ngành có thể ghi chép, lĩnh hội được.
“Nếu một câu hỏi mà chúng ta nêu ra 5 câu hỏi nhỏ, mỗi câu hỏi nhỏ lại có mấy ý nữa thì không thể nào nhớ nổi. Tôi cũng đã có lúc đứng ở vị trí này, trả lời chất vấn rồi, nên rất mong mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên lựa chọn một hoặc vài vấn đề tâm đắc nhất, quan trọng nhất để hỏi và cố gắng có tốc độ nêu vừa phải, rõ ràng để Bộ trưởng và Trưởng ngành có thể ghi chép và lĩnh hội được vấn đề cần chất vấn của đại biểu Quốc hội," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong quá trình trả lời chất vấn, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn.
Về tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu không dùng quyền tranh luận để tranh thủ đặt câu hỏi chất vấn và tiến hành tranh luận với Bộ trưởng chứ không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau, để dành nhiều thời gian cho Bộ trưởng trả lời những vấn đề thuộc trách nhiệm giải trình của ngành, lĩnh vực với tư cách là người đứng đầu, tránh việc chất vấn và trả lời chất vấn thành phiên thảo luận.
Nhấn mạnh phạm vi chất vấn lần này rất rộng, liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, chiến lược trong thời gian tới; những tác động liên quan đến kinh tế-xã hội và kế sách, những chiến lược, chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đây là những vấn đề cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngoài những thành viên Chính phủ đã được phân công cụ thể tham gia trả lời chất vấn, Chính phủ và Thủ tướng phân công các thành viên khác còn lại của Chính phủ, trừ những trường hợp bất khả kháng vì những công việc chung, nên tham dự đầy đủ các phiên chất vấn để nắm thêm những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi và giám sát. Sau khi kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết chung về chất vấn và trả lời chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế./.
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024