Chung nhau mổ lợn đón Tết - nguy cơ nhiễm sán cao

16:35 02/02/2016

Khi còn thừa vài miếng ruột, sẵn phích nước nóng nên chị Mai dội vào. Một lúc sau, các sinh vật màu trắng lúc nhúc bò ra khỏi miếng ruột khiến chị hốt hoảng.
 
Vào ngày Tết, nhiều miền quê có thói quen chung nhau mổ lợn để làm giò, lấy thịt ăn Tết và tất nhiên không thể thiếu món tiết canh, lòng lợn. Đặc biệt, do nghĩ lợn tự nuôi sẽ an toàn nên người dân yên tâm ăn các món tái, gỏi.
 
Tuy nhiên, các con vật tự nuôi bằng thức ăn sạch chỉ có thể tránh được nguy cơ dùng hóa chất, chẳng hạn với lợn có thể tránh được bột tăng trọng, chất tạo nạc, còn nguy cơ giun sán không thể tránh nếu chúng được chế biến theo cách không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Chị Quỳnh Mai (Sơn Tây, Hà Nội) có trải nghiệm đáng nhớ đợt Tết Dương lịch vừa qua. Gia đình chị mổ một con lợn, sau đó, dùng lòng để nhúng lẩu. Mọi việc diễn ra vui vẻ, song khi còn thừa vài miếng ruột, sẵn phích nước nóng nên chị Mai dội một ít vào ruột và bất ngờ các sinh vật màu trắng lúc nhúc bò ra khỏi các miếng ruột khiến chị và mọi người thực sự kinh hãi.
 
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng cho hay việc tự nuôi lợn, nhất là nuôi thả rông có nguy cơ nhiễm giun sán rất lớn. Trong đó, tiêu biểu là sán dây lợn (ấu trùng sán gạo heo) phổ biến ở những vùng có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt. 
 
Bác sĩ Ánh phân tích, sau khi lợn ăn phải ấu trùng sán vào ruột, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. 24-72 giờ sau kể từ khi ăn phải, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài. 
 
Lợn mắc ấu trùng sán được gọi là lợn gạo. Sau thời gian phát triển 2,5-4 tháng, ấu trùng có khả năng lây nhiễm. 
 
“Nếu người ăn phải kén sán chưa chết vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở trong ruột non. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm”, bác sĩ Ánh thông tin.
 
 Miếng thịt bị nhiễm sán dây lợn - sán gạo heo.
Miếng thịt bị nhiễm sán dây lợn - sán gạo heo.
Nhận biết bị nhiễm sán như thế nào?
 
Vẫn theo bác sĩ Ánh, sán gạo heo là một bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não... Chúng có thể tồn tại trong cơ thể người rất lâu. Tùy theo từng vị trí sẽ có các biểu hiện khác nhau:
 
Ở da: Các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay, sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện được bằng X quang.
 
Ở não: Biểu hiện như một u nang trong não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu như tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, có thể bị đột tử.
 
Ở mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.
 
Ở cơ tim: Làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, bệnh nhân bị ngất xỉu.
 
Đặc biệt, ấu trùng sán dây lợn sẽ ở dưới -20 độ C, nhưng ở 0 độ C đến -20 độ C sống được gần 2 tháng và trong nhiệt độ phòng thí nghiệm cũng sống được 26 ngày. Do đó, nếu muốn dùng thịt sống thì phải ướp thịt ở -10 độ C trong 4 ngày mới bảo đảm. Nhiệt độ 50-60 độ C, ấu trùng sán sẽ chết sau 1 giờ.
 
Do đó, bác sĩ Ánh khuyến cáo người dân không ăn thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín, thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Không nuôi lợn thả rông. Khi mua thịt ngoài chợ phải quan sát miếng thịt, nếu có các dấu hiệu lạ như nổi u, có đốm trắng, tuyệt đối không mua. Ngày Tết sắp tới cũng nên tránh các món tiết canh, nem chua, thịt tái,... Bệnh nhân nghi nhiễm sán cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt.
 
Theo Hà Quyên/Zing


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông