16:08 17/11/2020 "Sinh ra tôi đã có Hải Phòng...", người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã có câu thơ bất hủ về thành phố ông sinh ra như thế... Lời tự sự đó cũng thể hiện rõ nét trong chương trình nghệ thuật "Văn Cao - Tự hào Hải Phòng" - chương trình nằm trong Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng số đầu tiên của năm thứ 2.
Một tiết mục biểu diễn tại chương trình
Hào hùng, công phu, ấn tượng, hơn hết là niềm tự hào sâu sắc, khi những câu đầu tiên của bài "Tiến quân ca" vang lên, mở đầu cho chương trình nghệ thuật "Văn Cao - Tự hào Hải Phòng": “Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu nước/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”
Chị Nguyễn Vân Hà, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh chia sẻ: Là một giáo viên đã hơn 20 năm dạy học, sáng thứ 2 nào nhà trường cũng tổ chức chào cờ, toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường hát vang Quốc ca, nhưng hôm nay trong khán phòng vô cùng sang trọng và ấm cúng của Nhà hát thành phố, chị thấy trong lòng dâng lên tự hào khôn nguôi khi hát bài hát vang lên.
Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: “Tùng Dương đã được nhiều lần được đứng trên sân khấu của Hải Phòng, nhưng lần nào cũng đong đầy xúc cảm. Đặc biệt, lần này, trong chương trình về cố nhạc sĩ Văn Cao, là người nghệ sĩ được biểu diễn tác phẩm “Tiến quân ca” mở đầu chương trình, Tùng Dương cảm thấy tự hào khôn xiết. Hải Phòng đã làm nhiều chương trình nghệ thuật rất hay, đặc biệt với chương trình “Văn Cao - Tự hào Hải Phòng” để có được sự thành công là điều không hề đơn giản. Ở đó, chúng ta thấy được sự sáng tạo, tâm huyết của e kip thực hiện, các nghệ sĩ, diễn viên Hải Phòng và cả nước.”
Chương trình nghệ thuật “Văn Cao - Tự hào Hải Phòng” là chương trình biểu diễn các ca khúc đi cùng năm tháng của cố nhạc sĩ Văn Cao. Chương trình được kết cấu gồm 3 phần. Phần 1 “Suối mơ” với những giai điệu mượt mà, sâu lắng qua chùm ca khúc thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam như “Suối mơ”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Bến xuân”…. Ở đó, ta sẽ gặp một Văn Cao lãng mạn, man mác, huy hoàng và thực sự chạm tới bình yên của cái đẹp.
Với phần 2 “Bắc Sơn”, là chùm ca khúc trong thời kỳ kháng chiến như: “Trường ca Sông Lô”, “Làng tôi”, “Bắc Sơn”, “Tiến về Hà Nội”, “Ngày mùa” vừa hào hùng, thúc giục lòng ta hướng về Tổ quốc, nhưng lại vô cùng thiết tha, mềm mại như suối chảy. Trong dòng âm nhạc cách mạng, cố nhạc sĩ Văn Cao là người đầu tiên chắp những đôi cánh lãng mạn, những ước mơ lớn vào các ca khúc, hành khúc chiến đấu, những giai điệu ngời ngời chủ nghĩa yêu nước, đầy chất thép và chất thơ.
Phần 3 của chương trình không phải là điểm kết mà mở ra sự khởi đầu cho một tương lai tươi sáng hơn, là “Mùa xuân đầu tiên” với những tác phẩm ca ngợi quê hương như “Hò kéo gỗ trên Bạch Đằng Giang”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Hải Phòng thuở ấy”... Với những ý tưởng mới mẻ, những người thực hiện chương trình đã mang đến cho công chúng yêu nhạc một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc.
NSƯT Thanh Nam - Đạo diễn chương trình trải lòng: Đây không phải là lần đầu tiên anh về Hải Phòng nhưng cảm xúc luôn dâng trào mỗi lần được quay lại mảnh đất này. Nơi đây, nghệ thuật được lan tỏa, trong thời điểm này với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Hải Phòng vẫn giữ được nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Chương trình nghệ thuật hôm nay nằm trong Đề án sân khấu truyền hình không chỉ là một chương trình nghệ thuật mà còn là câu chuyện của đời sống. Nói đến nhạc sĩ Văn Cao, chúng ta không thể nhắc tới những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao và những câu chuyện thú vị kể về ông. Từ ngày ông mất cho đến nay, đã có rất nhiều bài báo, phóng sự, chương trình nghệ thuật để tưởng nhớ về ông. Vì vậy sẽ rất có thể xảy ra những lối mòn trong cách thể hiện chương trình. Để tránh được điều đó, chúng ta cần tham khảo, nghiên cứu thật kỹ những tài liệu trước đó đã làm về ông. Với anh, trong chương trình này, qua việc khắc họa hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, để thể hiện, tôn vinh những nét đẹp, giá trị của con người và vùng đất Hải Phòng và đặc biệt hơn là tinh thần văn hóa của con người Hải Phòng.
Tài năng thiên bẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã khiến người ta phải thốt lên “Trong một Văn Cao có quá nhiều Văn Cao: Văn Cao thơ, Văn Cao hoạ, Văn Cao nhạc...”. Nhưng dù có là ai thì ông vẫn là Văn Cao - người con cất tiếng khóc chào cửa biển Hải Phòng vào một ngày thu năm 1923, giản dị và chân thành như ông từng chia sẻ: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam thu nhỏ/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi...”.
Xuân Hạ
14:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão