Đưa nông thôn Việt Nam trở thành nơi “đáng sống”

10:11 27/10/2022

Ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường (BVMT), an toàn thực phẩm (ATTP) và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Chương trình được triển khai nhằm góp phần tạo ra môi trường sống nông thôn an toàn, bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, phấn đấu đưa nông thôn Việt Nam trở thành nơi “đáng sống”...
Nông dân Hải Phòng chung tay bảo vệ môi trường

Mục tiêu phấn đấu

BVMT, cấp nước sạch, ATTP được xác định là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo định hướng nông nghiệp sinh thái, hiện đại, nông dân thông minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. BVMT, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo ATTP là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn ưu tiên tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước đồng thời huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho 3 lĩnh vực này theo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ nguồn lực các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Chính vì thế mà Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được chính phủ phê duyệt nhằm phấn đấu đến năm 2025 đạt một số mục tiêu cụ thể sau: Tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp.

Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nông dân Hải Phòng chung tay bảo vệ môi trường

95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định; 100% chất thải rắn, 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom, xử lý theo quy định. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ.

100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo ATTP; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về VSATTP. Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn, 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tại Quyết định số 925/QĐ-TTg đã xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp trọng tâm.

Về nguồn vốn thực hiện, ngoài vốn ngân sách trung ương của Chương trình được bố trí trong kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 còn có nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...), vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương

Triển khai Chương trình, Bộ NN&PTNT được giao trách nhiệm là đơn vị

chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các bộ, ngành trung ương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau: Xây dựng kế hoạch tổng thể, hằng năm để triển khai các nội dung của Chương trình; rà soát kỹ lưỡng nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo với nội dung, nhiệm vụ của các Chương trình chuyên đề khác và các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiến hành lựa chọn, phê duyệt danh sách các mô hình thí điểm thuộc Chương trình và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện để làm cơ sở xây dựng chính sách, nhân rộng trong cả nước. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và chuyển đổi tư duy của người dân, cán bộ NTM các cấp về cấp nước sạch, BVMT, ATTP; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT.

Mặt khác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn và triển khai các nội dung về cung cấp nước sạch nông thôn; xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp; thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn; ATTP nông lâm thủy sản; xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình và cấp thôn…

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện các quy định về BVMT phù hợp với điều kiện nông thôn; hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương để các địa phương căn cứ thực hiện. Chỉ đạo Quỹ BVMT Việt Nam ưu tiên bố trí vốn vay để thực hiện xây dựng các mô hình trong Chương trình; đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động BVMT trên địa bàn nông thôn; xử phạt nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của pháp luật...

UBND các tỉnh/thành phố thì có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung Chương trình. Chỉ đạo UBND cấp huyện, xã, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai Chương trình; xây dựng, rà soát, hoàn thiện các đề án, kế hoạch, quy hoạch có liên quan theo các nội dung Chương trình.

Chú trọng ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách tỉnh, thành phố cho việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT nông thôn trong phạm vi Chương trình; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thực hiện Chương trình; bố trí đủ ngân sách đối ứng của địa phương cho các dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, thành phố; huy động các nguồn lực khác, nhất là vận động doanh nghiệp để tham gia xây dựng các mô hình.

 Để nông thôn Việt Nam thực sự trở thành nơi “đáng sống” cần sự chung sức của toàn xã hội

Cùng với đó là phê duyệt, triển khai thực hiện các mô hình thuộc Chương trình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao năng lực của người dân và cán bộ NTM các cấp về các nội dung của Chương trình. Chú trọng phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Chương trình…

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành khác có liên quan và đề nghị Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác giữ gìn, BVMT ở nông thôn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền tham gia xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống, mô hình về cấp nước sạch, BVMT; chỉ đạo cấp cơ sở đứng ra đảm nhận quản lý, vận hành các mô hình thí điểm đảm bảo hiệu quả, thiết thực…

Hi vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo ra bứt phá mới, đưa nông thôn Việt Nam thực sự trở thành nơi “đáng sống” đúng như kỳ vọng Chương trình hướng đến...

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích