15:27 31/08/2013 Đi dọc hành lang khoa Ung thư Bệnh viện K (Bệnh viện Ung bướu trung ương), chỗ nào cũng thấy người là người, cả người khỏe lẫn người ốm nằm la liệt, chật chội, oi bức đến ngộp thở. Viện K chỉ có 5 phòng truyền hóa chất nhưng lúc nào cũng có tới cả trăm bệnh nhân cần điều trị.
Đi dọc hành lang khoa Ung thư Bệnh viện K (Bệnh viện Ung bướu trung ương), chỗ nào cũng thấy người là người, cả người khỏe lẫn người ốm nằm la liệt, chật chội, oi bức đến ngộp thở. Viện K chỉ có 5 phòng truyền hóa chất nhưng lúc nào cũng có tới cả trăm bệnh nhân cần điều trị. Tuy vậy, để chiêm nghiệm về giá trị cuộc sống, có lẽ ai cũng nên đến đây một lần, chứng kiến cảnh các bệnh nhân vật lộn với “thần chết” từng ngày, hoặc đơn giản chỉ là để nghe những câu chuyện của họ… Có câu chuyện bi hài, có câu chuyện thấm đẫm nước mắt nhưng cũng có những câu chuyện đem đến cho ta niềm tin yêu và hy vọng vào cuộc sống.
1. Chết vì… thiếu hiểu biết Bệnh nhân đầu tiên tôi gặp là bà Nguyễn Thị Phen, quê ở Bình Lục, Hà - Bà có đau nhiều không? - Tôi cất tiếng hỏi. - Tôi chỉ bị cái nhọt ở vú, từ nhiều năm nay rồi. Bây giờ nó vỡ ra, chắc sắp khỏi bệnh rồi cô ạ. Bà Phen cười ngượng nghịu nhưng vẫn không nén nổi sự đau đớn hằn trên khuôn mặt. Có lẽ bà chưa biết gì về bệnh tình của mình nên nghĩ như vậy. Theo bệnh án bác sỹ cho tôi xem, người đàn bà ấy đã bị ung thư vú độ 4 - “mọi thứ đã hỏng hết rồi”, không còn khả năng cứu vãn nữa. Hôm nhập viện, u của bà vỡ ra, mùi hôi thối nồng nặc khắp phòng. Chỉ nghe các bác sỹ và y tá miêu tả thôi tôi đã thấy rùng mình. Thật tội nghiệp cho người đàn bà ấy. Có khi đến chết cũng không hiểu tại sao cái chết đến với mình một cách chóng vánh đến vậy. Trong khi đó, ung thư vú ngày nay hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. 2. Chết vì thiếu… lòng can đảm Khác với bà Phen, bệnh nhân Viên Thị Hiền Lý, sinh năm 1973, là người khá hiểu biết, đã từng là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn ở Thái Nguyên. Chị Lý cho biết, khi còn là con gái, chị đã phát hiện một cục nhỏ ở vú, nhưng vì nó không đau và một phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần nữa là do nỗi sợ hãi mơ hồ nên chị đã tặc lưỡi không đi khám. Chị lấy chồng, rồi sinh con bình thường như bao người phụ nữ khác. Vài năm sau, xuất hiện thêm một cục u ở vú trái nữa. Cứ đến “tháng” là hai bên vú lại sưng đau nên chị quyết định đến Viện K để khám và làm xét nghiệm thì được bác sỹ kết luận đã bị K vú độ II. Sợ hãi trước viễn cảnh phải cắt đi đôi gò bồng đảo vốn là niềm tự hào của người phụ nữ, chị đi đến một quyết định sai lầm khác là điều trị bằng đông y. Căn bệnh tiến triển nhanh với tốc độ chóng mặt, khi chị quay trở lại Viện K để điều trị thì đã không còn hy vọng, ung thư đã ở giai đoạn cuối. TS.BS Lê Hồng Quang, Phó khoa Ngoại B, Bệnh viện K khẳng định, nếu như chị Lý được can thiệp khi K vú còn ở độ II thì tỷ lệ chữa khỏi trên 5 năm của chị lên đến 90% còn bây giờ thì nhiệm vụ của bác sỹ ở đây chỉ là giúp chị duy trì sự sống được chừng nào hay chừng đó. Nhìn đứa con theo đi chăm mẹ mà chị tan nát cả cõi lòng. Giá như trước đây chị có chút can đảm thì đã không mất đi cơ hội sống để chăm sóc đứa con thơ tội nghiệp. 3. Đến người đàn bà cười nhạo… “thần chết” Ở khoa Ung thư không ai không biết đến bác Huệ (ở xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Bác Huệ là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Hai người anh trai đều là liệt sĩ. Khi bố mất, một mình bác vừa chăm sóc 2 người mẹ - một người mẹ đẻ và một người mẹ kế, vừa nuôi em gái ăn học.
Bác Huệ nhận được nhiều yêu mến vì luôn quan tâm giúp đỡ người xung quanh “Bu Huệ” là cái tên gọi thân thương mà các bệnh nhân ung thư ở đây gọi người đàn bà đơn thân chống lại căn bệnh căn bệnh ung thư vú đã di căn vào xương. Nhiều bệnh nhân ở đây chia sẻ: “Bu Huệ như cái phao mà những bệnh nhân mới như chúng tôi bám víu vào trong những ngày tháng giông tố của cuộc đời”. Bác đã quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ và động viên tinh thần những người đồng cảnh nên được nhiều người tin yêu, quý mến. Bác bị ung thư vú từ lâu, nhưng kể từ tháng 9-2011 đến nay, bác Huệ phải nằm luôn tại viện để chữa bệnh. Do hoàn cảnh khó khăn của bác Huệ, các bác sĩ tạo điều kiện cho bác ở lại viện điều trị chứ không phải về nhà như nhiều bệnh nhân khác sau khi truyền xong hóa chất. Hành lang bệnh viện là phòng bệnh, những bát cháo từ thiện là bữa ăn, chiếc giường xếp là chốn ngủ. Bác đã quá quen với việc phải tự chăm sóc bản thân trong điều kiện thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Cũng như những người bệnh đã bị di căn vào xương, cơn đau đớn hành hạ lúc nửa đêm khiến bác không thể ngủ được. Một thời gian dài bác đã khóc cho bớt nỗi đau, khóc vì sự tủi cực và cô đơn. Nhưng rồi người ta dần thấy bác ít khóc hơn mà thay vào đó là hát. Trong những tối thao thức không ngủ của các bệnh nhân suốt dọc hành lang, mọi người thường nghe thấy bác hát. Mấy chị em nằm cạnh hỏi: “Nếu ngày mai bu phải lên bàn mổ, thì đêm nay bu còn hát được không?”. Bác Huệ cười hiền: “Bao nhiêu năm tháng sống trong bệnh viện, chứng kiến cảnh những người quen trong bệnh viện lần lượt ra đi, tao không còn sợ nữa. Chúng mày cứ chờ đấy mà xem, tối nào tao cũng sẽ hát cho chúng bây nghe”. 4. Cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình yên Câu chuyện thứ 4 ở cái bệnh viện đầy rẫy nước mắt này là câu chuyện của em Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1989, quê Vĩnh Phúc, tốt nghiệp khoa Kế toán, Trường đại học Kinh tế kĩ thuật - Công nghiệp. Hương phát hiện mình bị bệnh ung thư vú khi bệnh ở giai đoạn II, khối u nhỏ 2-5 cm, có hạch nách cùng bên, di động. Lúc đầu, Hương đau khổ dữ lắm, sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Trước sự quan tâm, chăm sóc của người thân, bạn bè, cô nhanh chóng hiểu ra rằng cứ buồn rầu rồi kêu ca nhiều chỉ khiến cho bản thân và mọi người xung quanh thêm mệt mỏi. Mặt khác, cô nghĩ rằng mình đã may mắn khi phát hiện ra bệnh trong lúc y học còn có khả năng can thiệp được. Cô chọn cách mỉm cười lạc quan và vui vẻ điều trị bệnh theo phác đồ của bệnh viện. “Con chim sơn ca” ấy cứ líu lo suốt ngày khiến các bệnh nhân đồng cảnh thấy cuộc đời tươi tắn hơn, giúp họ lạc quan hơn để chiến đấu với bệnh tật. “Từ khi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, em biết trân trọng hơn những giá trị cuộc sống bình dị mà trước nay mình bỏ lỡ. Căn bệnh không những không làm em suy sụp mà ngược lại đã giúp tinh thần em mạnh mẽ hơn”, Hương chia sẻ. Và như có phép lạ, hạnh phúc đã mỉm cười với Hương khi em có được tình yêu của một chàng bác sỹ trong khoa. Sức khỏe của em cũng đang hồi phục rất nhanh. Tôi tin chắc chắn rằng em sẽ sớm khỏi bệnh. Câu chuyện về những mảnh đời kéo dài suốt cả đêm trắng. |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão