Chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững

19:20 16/11/2023

Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Quyết định 300/QĐ-TTg về “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Việc triển khai hiệu quả kế hoạch này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc từng bước hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới.
 Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, dinh dưỡng quốc gia  

Góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu

Theo chia sẻ của Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam, vào chiều 10-11 vừa qua thì nền nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 12% GDP của quốc gia (2022). Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2023  xuất khẩu nông sản của nước ta đạt 43,08 tỉ USD. 

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như: quy mô nông hộ nhỏ chiếm đa số, nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển  xu thế tiêu dùng của thế giới. Người sản xuất ít có điều kiện tiếp cận thị trường và  thường chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô…

Đáng chú ý, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với 3 gánh nặng đồng thời về dinh dưỡng, đó là thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao ở khu vực vùng miền núi, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là tỷ lệ thừa cân béo phì, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng tại khu vực thành thị. 

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng VSATTP (Ảnh minh hoạ)

Để chủ động đương đầu, từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gỡ bỏ dần những gánh nặng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 300/QĐ-TTg về “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu chính mà kế hoạch này hướng tới là nhằm chuyển đổi hệ thống LTTP từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

Chỉ tiêu phấn đấu

Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt một số chỉ tiêu nổi bật sau: Thu nhập cư dân nông thôn cao hơn từ 2,5-3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ gia đình không đảm bảo an ninh LTTP mức độ nặng và vừa ở mức dưới 5%. Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu LTTP trên 30 tỷ đô la Mỹ/năm, phấn đấu tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 15%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 3%.

Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10%; trẻ 5 - 18 tuổi ở mức dưới 19%; người trưởng thành 19-64 tuổi ở mức dưới 20%. Tỷ lệ ngộ độc cấp tính được ghi nhận dưới 5 người/100.000 dân. Tỷ lệ diện tích được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi chiếm trên 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Số vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được đăng ký chứng nhận tăng 5%/năm.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ở mức trên 30%. Diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Lượng phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020 và chiếm trên 30% lượng phân bón cung ứng trên thị trường.

Tỷ lệ giá trị nông sản chế biến trong tổng giá trị sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản ở mức trên 50%. Và trên 50% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông lâm thủy sản được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Phát thải khí nhà kính từ hệ thống LTTP giảm 10% so với năm 2020…

Nhiệm vụ, giải pháp và nguồn vốn triển khai 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kể trên, tại quyết định này đã xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện.

Theo đó, song song với việc đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến, tiêu dùng LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần chú trọng phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến, phân phối LTTP và thúc đẩy thực hành tiêu dùng LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Để triển khai các chương trình, nhiệm vụ của kế hoạch hành động này, Việt Nam sẽ huy động cả nguồn vốn trong và ngoài nước. Trong đó, vốn trong nước sẽ bao gồm nguồn ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương, lồng ghép của các nhiệm vụ chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước được giao. Cộng thêm nguồn vốn vay thương mại, đầu tư tư nhân và nguồn vốn cộng đồng, xã hội khác.

Nguồn vốn ngoài nước sẽ bao gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ, vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cùng các nguồn vốn huy động hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính quốc tế.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững, Bộ NN&PTNT được giao trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để triển khai kế hoạch hành động này.

Theo đó, bộ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai kế hoạch hành động; giám sát, đánh giá tình hình thực hiện; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hàng năm và theo yêu cầu, sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch hành động vào năm 2025 và tổng kết vào năm 2030.

Mặt khác, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định, phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài; giám sát việc thực hiện hiệu quả các nguồn vốn theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nghiên cứu đề xuất thành lập Đối tác Chuyển đổi hệ thống LTTP (Đối tác) do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là Chủ tịch; đồng Chủ tịch là một Đối tác quốc tế. Đối tác sẽ hoạt động theo cơ chế linh hoạt, sử dụng cơ cấu bộ máy và nhân sự hiện có của Bộ để vận hành. Kinh phí hoạt động của Đối tác được huy động từ các nguồn hỗ trợ của các thành viên.

Trong quá trình triển khai có vấn đề phát sinh thì chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh kế hoạch hành động bảo đảm phù hợp với thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội ngành hàng, hội nghề nghiệp thì có trách nhiệm chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch hành động này theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý. Đồng thời, lồng ghép, tích hợp nội dung liên quan đến chuyển đổi hệ thống LTTP trong các kế hoạch, quy hoạch phát triển để bố trí kinh phí thực hiện theo quy định…

Bình Huệ       

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông