Chuyển đổi số - Cơ hội phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng

21:31 25/02/2022

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển tất yếu không chỉ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn hết sức quan trọng đối với mọi lĩnh vực. Đặc biệt từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiều giá trị và kết cấu truyền thống bị phá vỡ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ khiến nhu cầu này càng trở thành cấp thiết, nhất là đối với quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng như Việt Nam. Vào ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia (ảnh tư liệu)

Kỳ 1 - Xu hướng tất yếu

Theo khái niệm chung, chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực trong một hệ thống, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, khai thác và cung cấp các giá trị mới thay cho mô hình vận hành truyền thống.

Theo Quyết định 749/QĐ-TTg, để phấn đấu “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”, Chương trình chuyển đổi số quốc gia bao gồm 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số, với 3 nhóm mục tiêu cơ bản, trước hết là giai đoạn đến 2025.

Thứ nhất về phát triển Chính phủ số, phấn đấu đạt 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ và cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số.

100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Thứ hai về phát triển kinh tế số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chương trình xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Kinh tế số chiếm 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Thứ ba về phát triển xã hội số, Chương trình cũng xác định phấn đấu xây dựng hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã thể hiện 6 nhóm quan điểm. Trong đó: Nhận thức đóng vai trò quyết định; Người dân là trung tâm; Thể chế và công nghệ là động lực; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt; Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Trên quan điểm đó, Chương trình đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, tạo nền móng chuyển đổi số: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Đối với từng lĩnh vực riêng trong 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Chương tình chuyển đổi số quốc gia cũng đồng thời đề xuất từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng, nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, xác định một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

          Như vậy, với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chuyển đổi số đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong công cuộc phát triển giai đoạn mới.

Trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước.

Để thực hiện thành công, chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với thực tế và đem lại hiệu quả thực tiễn; đồng thời phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề, như: Đầu tư thỏa đáng để hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ; thúc đẩy hợp tác công – tư trong chuyển đổi số dựa trên quan điểm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và phát huy mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho 3 trụ cột của chuyển đổi số; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức và tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm của tất cả các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đo lường đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện và đúc rút kinh nghiệm.

(còn nữa)

Lê Minh Thắng 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông