Chuyện đời thủy thủ viễn dương

17:25 20/12/2014

 

Tàu Cái Lân 4 bị mắc kẹt ở cảng Kolkata (Ấn Độ) hồi tháng 12-2012
Tàu Cái Lân 4 bị mắc kẹt ở cảng Kolkata (Ấn Độ) hồi tháng 12-2012

Bão tố, cướp biển, nợ lương, mắc kẹt ở nước ngoài... - đó là những gian nan, vất vả trong nghề thủy thủ viễn dương, đối lập với ánh hào quang của một thời đã qua.

Hiểm nguy rình rập mạn tàu

Rạng sáng 7-10, gần 20 thuyền viên trên tàu Annie Gas 09 (chủ tàu là Công ty TNHH thương mại Quỳnh Anh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) náo loạn vì phát hiện bếp trưởng Nguyễn Đình Hùng, 44 tuổi, mất tích bí ẩn khi tàu đang neo đậu ở gần đảo Batam (thuộc tỉnh Riau Islands, Indonesia). Cho đến nay, thông tin về anh Hùng vẫn bặt vô âm tín. Chúng tôi tìm đến gia đình anh Hùng ở phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng vào một buổi chiều đầu đông.

Bố anh Hùng 74 tuổi nằm liệt trên chiếc giường gỗ thả màn. Vợ anh, chị Ngô Thị Tầm, 38 tuổi, dáng người xanh xao, tiều tụy, ánh mắt thẫn thờ. Tâm sự với chúng tôi trong nước mắt, chị cho biết những ngày qua là chuỗi ngày buồn đau, mòn mỏi đợi tin chồng. Mỗi khi nhớ chồng, chị lại đến bàn thờ thắp hương khấn nguyện và cầm chai nhựa chứa nước biển được lấy tại nơi tàu Annie Gas 09 neo đậu. Công việc gắn liền với biển, những lần anh Hùng về thăm nhà đếm trên đầu ngón tay. Lần anh gặp người thân gần đây nhất là ngày 24-9, khi tàu cập cảng Đình Vũ, TP.Hải Phòng.

“Anh Hùng nhà tôi sống rất tình cảm, có trách nhiệm với công việc, đi làm vất vả nhưng luôn lo lắng cho mẹ con tôi ở nhà. Quả thực không có từ nào diễn tả hết nỗi buồn đau của tôi hơn 2 tháng qua nhưng vì là trụ cột trong nhà lúc này nên tôi cố gắng kìm nén không cho mình gục ngã”, chị Tầm chia sẻ. Cậu con trai Nguyễn Đức Mạnh đang học Đại học Bách Khoa Hà Nội chỉ biết động viên mẹ qua điện thoại và tranh thủ về thăm nhà ngày cuối tuần. Câu chuyện đợi tin chồng của chị Tầm chỉ là một trong số nhiều gia đình có người thân là thủy thủ tàu viễn dương bị mất tích.

Chị Tầm bên chai nước nước biển được lấy tại nơi tàu Annie Gas 09 neo đậu
Chị Tầm bên chai nước nước biển được lấy tại nơi tàu Annie Gas 09 neo đậu

Vụ tàu Vinalines Queen chở quặng bị chìm sáng 25-12-2011 khiến 22 thủy thủ mất tích. Đến nay, thân nhân của 22 thủy thủ này vẫn đợi tin trong vô vọng.

Nghề thủy thủ viễn dương không như mơ khi hiểm nguy rình rập quanh mạn tàu. Hiện nay, nạn cướp biển hoành hành khiến giới thủy thủ lo lắng trên từng chặng hải trình. Theo ông Phạm Xuân Dũng, thuyền trưởng con tàu 25.000 tấn của một công ty vận tải biển có tiếng ở Hải Phòng, trên thế giới có 3 điểm nóng về nạn cướp biển là vùng biển Đông Nam Á, Tây Phi và vịnh Aden - nơi cướp biển Somalia hoành hành. Khác với cướp biển Somalia thường khống chế tàu để đòi tiền chuộc, cướp biển ở vùng Đông Nam Á thường cướp tài sản rồi rút.

“Vụ tàu chở dầu Sunrise 689 của Công ty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng bị cướp biển tấn công sau khi rời cảng Horizon (Singapore) hồi đầu tháng 10 vừa qua hay gần đây nhất là vụ một thủy thủ tàu VP Asphalt 2 bị cướp biển bắn chết vào sáng 7-12 khiến vợ con tôi lo lắng, đứng ngồi không yên. Đó cũng là tâm lý chung của người thân các thuyền viên”, ông Dũng tâm sự.

Vang bóng một thời

Trước đây, nhiều người dân TP.Hải Phòng truyền miệng câu nói: “Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ đi “doa” (xe đạp Peugeot). Anh rỗ đi “doa” không bằng anh già đi Cup, Anh già đi Cup không bằng anh cụt Vosco”. Thương hiệu Vosco của Công ty Vận tải biển Việt Nam để chỉ thủy thủ tàu viễn dương. Thời bao cấp, những người thủy thủ được đi khắp nơi, có mức lương “khủng” và kiếm lời lớn từ buôn bán hàng thải loại từ nước ngoài về như ti vi đen trắng, đàn organ, tủ lạnh, xe Cup, máy khâu, quạt điện...

Ông Lê Thanh Sơn (ở phố Tô Hiệu, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng), có 25 năm làm thuyền trưởng cho nhiều hãng tàu trong và ngoài nước cho biết, thủy thủ viễn dương buôn hàng “một vốn trăm lời chứ không phải bốn lời”. Ngày đó hàng hóa khan hiếm lắm, trong khi tại các bãi rác ở nước ngoài thải đầy xe máy, máy khâu, quạt điện...

Mỗi khi thủy thủ cập cảng là tranh thủ tìm mang về bán kiếm lời. “Nhờ thế mà đời sống của giới thủy thủ hàng hải sung túc hơn hẳn so với các tầng lớp khác. Thủy thủ từng là tiêu chuẩn kén chồng của các cô gái xinh đẹp, có anh từng tán gái bằng... mì chính, xà phòng camay”, ông Sơn nói. Nghề thủy thủ viễn dương chỉ “hot” từ sau năm 1975 cho tới những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cơ chế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng vận tải biển tư nhân đã đẩy lùi ánh hào quang lại phía sau. Nghề thủy thủ hiện ra trần trụi là một nghề nguy hiểm, cực nhọc.

Không chỉ là cướp biển, một nỗi sợ hãi khác ám ảnh người thủy thủ là chuyện... nợ lương, “quỵt” lương và bị mắc kẹt ở nước ngoài. Cuối tháng 10-2012, 22 thủy thủ tàu Cái Lân 4 của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) bị mắc kẹt tại tại cảng Kolkata (Ấn Độ) sau khi giao hàng. Do Vinashinlines nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore nhưng chưa trả nên các thủy thủ bị tòa án Ấn Độ bắt giữ làm “con tin”.

Thời điểm ấy, không phải chỉ có tàu Cái Lân 4 bị mắc kẹt ở nước ngoài, rất nhiều con tàu lớn khác cũng lâm tình cảnh tương tự như tàu Hoa Sen, Sea Eagle, New Phoenix ở Trung Quốc, tàu Diamond Way kẹt ở UAE... Hết lương thực, thực phẩm, nước ngọt, dầu DO, việc ăn ở của thuyền viên gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người sống cầm cự qua ngày bằng mì tôm, rau dại, nhiều người bị ốm.

Chia sẻ về chuyện này, ông Trần Văn Thiệp (thủy thủ đi cùng tàu với ông Phạm Xuân Dũng) cho biết ông đã từng tiếp tế cho một tàu Việt Nam ở Ấn Độ. “Mỗi khi có tàu Việt Nam sang là các thuyền viên lại san sẻ cho anh em ở tàu này một ít đồ ăn, nước uống để sống cầm cự. Nhìn cảnh đồng nghiệp của mình mắt kẹt nơi đất khách quê người đau xót lắm”, ông Thiệp giãi bày. Hiện nay, thủy thủ bị nợ lương, thậm chí là “quỵt lương” đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong mấy năm khủng hoảng vừa qua.

Nhiều người bạn của ông Thiệp đến nay vẫn bị nợ lương từ 6 tháng đến 1 năm. Ông vẫn còn nhớ như in lần bị một công ty vận tải biển tư nhân ở Hải Dương (đã phá sản) nợ 120 triệu đồng tiền lương 4 tháng của năm 2010. Trong chuyến chở hàng sang Indonesia, tàu của ông bị giữ lại nửa năm vì công ty không có tiền trả phí đại lý. Và một ngân hàng đã phải “ra tay” giải cứu tàu trở về.

Từ khoảng năm 1993 trở về sau này là thời điểm “làm công ăn lương” thực sự của giới thủy thủ, không còn chuyện buôn hàng cũ như trước. Tiền lương bị nợ liên tục, không có tiền gửi về gia đình, chuyện cơm áo áp lực đè nặng lên vai những thủy thủ.

Box: Đã từng có bộ phim phản ánh một lát cắt về chuyện đời thủy thủ viễn dương - những người quanh năm lênh đênh giữa trùng dương. Năm 2005, 19 tập phim “Trò đùa của số phận” do đạo diễn Bùi Huy Thuần sản xuất đã bấm máy ở Hải Phòng. Bộ phim thành công, gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem cả nước về những hình ảnh tiêu biểu mang nhịp sống của thành phố Cảng như cảnh sông Lấp, chợ Sắt, Cảng Hải Phòng... và đề cập sâu sắc chuyện nghề của thủy thủ viễn dương.

Anh Quân


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông