Trong một ngày đông buốt giá, bất chợt tôi nhớ đến cái không khí “gia đình” khá đặc biệt nhưng thật đầm ấm mà tôi được chứng kiến thật xúc động ở một góc cánh đồng xã Dũng Tiến (Vĩnh Bảo) nằm cách biệt nép bên bờ đê sông Thái Bình. Đó là Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng.
| Một bữa ăn trong Trung tâm điều dưỡng tâm thần |
1. Nhà, nơi những người thân yêu chờ đợi, chốn trú thân riêng tư của một lần làm người. Điều bình dị, giản đơn và thiêng liêng đó mà trong đời ai cũng có thể làm được nhưng với người tâm thần thì điều đó không thể. Và có lẽ, họ cũng không cần chờ điều đó, có đôi khi ta bắt gặp những người tâm thần đi lang thang vô định trên đường, đói thì nhặt ăn bất cứ thứ gì, muốn ngủ có thể đặt lưng bất cứ đâu, mặc cho giá lạnh cũng chỉ một manh áo rách mà không thấy khổ, thấy muốn về nhà, đến khi người nhà đón về thì họ lại trốn đi theo “tiếng gọi từ cõi xa vời”...
Anh Đào được đưa về trung tâm sau nhiều năm lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trong một đợt hốt những người tâm thần lang thang của thành phố Hải Phòng cuối năm 1979. Anh trở thành một trong những thành viên đầu tiên của trại sau 2 năm thành lập và ở đến tận giờ. “Thâm niên” của anh Đào ở trại đã hơn 30 năm do bệnh không thuyên giảm và cũng không có ai trong gia đình anh đến nhận.
Khi được hỏi tên gì, ở đâu, anh đều trả lời rành mạch “Cháu tên là Đào, quê ở Thanh Hóa”. Nhưng sau đó thì không còn biết gì thêm nữa về nguồn gốc, xuất xứ của anh nữa. Hỏi anh có muốn về quê không? Anh Đào lắc đầu quầy quậy. Qua trò chuyện mới biết, anh Đào cũng đã một thời đèn sách bởi hỏi anh về công thức toán học, anh trả lời rất chuẩn, biết nói cả tiếng Ba Lan. Khi tôi hỏi anh từ nào tiếng Việt dịch sang tiếng Ba Lan là gì, anh Đào trả lời vanh vách, thậm chí cụ thể ở trang nào trong cuốn từ điển Ba Lan. Anh Đào rất khoái nói chuyện về chính trị, mà toàn là chuyện giai đoạn chiến tranh lạnh, nào là Khơ-rô-sốp, Brê-nép... đâu ra đấy.
Anh Vũ Văn Khởi, cán bộ trung tâm điều dưỡng kể, bệnh nhân Đào là một trong những bệnh nhân thuộc thể “lành” trong số các bệnh nhân tâm thần. Có lẽ cũng ở lâu quen nết. Anh suốt ngày chỉ chờ đợi, chầu chực đến giờ được làm chân sai vặt ở dưới bếp. Nếu không được các cấp dưỡng sai việc gì, anh ta hét toáng lên. Nhiều lúc tỉnh, anh Đào có bập bõm nhớ lại nói quê ở Thanh Hóa, gia đình đã bị chết bom cả vào năm 1972. Anh Đào trước có đi du học tại Ba Lan nên nói tiếng Ba Lan khá lưu loát. Những lúc tỉnh, anh Đào trầm tư mong muốn về quê lắm. Liệu thân nhân anh Đào còn có ai nhận ra anh không?
Bệnh nhân xếp hàng khám bệnh 2. Hai trăm năm mươi người tâm thần gửi kiếp người của mình ở “trại tâm thần” Vĩnh Bảo thì rất ít người bệnh thuyên giảm trở về sống cùng gia đình. Kể từ ngày vào đây, người nhà bệnh nhân coi như số trời đã định, phó thác phần đời còn lại của bệnh nhân cho cán bộ, nhân viên trung tâm. Cả trăm bệnh nhân được người nhà đưa đến vì hoàn cảnh riêng tư chỉ đáo qua thăm vài lần rồi gạt nước mắt biệt tích coi như bỏ rơi khúc ruột của mình ở lại nơi đây. Có tới hơn hai chục bệnh nhân chưa một lần được gặp người thân kể từ ngày bỏ nhà đi lang thang và họ cứ đi mãi, đi mãi... cuối cùng dừng chân ở trung tâm này và họ không còn khả năng nhớ đường về nhà nữa. Trong những ngày thân xác còn được làm kiếp con người mà tâm hồn đã nửa phần theo mây gió thì họ vẫn được chăm sóc tận tình bởi những bác sỹ.
Bác sĩ Trần Thị Hiền kể: Khám bệnh cho người tâm thần rất khó, đau một đằng họ lại nói một nẻo. Nhiều người suốt ngày chỉ đòi tự tử. Mỗi lần uống thuốc thì phải dỗ như dỗ trẻ con. Bữa cơm cũng vậy. Nhiều bệnh nhân nhất quyết không ăn, cán bộ trại lại phải đút cho từng thìa. Một vài bệnh nhân thì cả ngày chỉ ngồi thẫn thờ một góc không chịu vận động thì lại phải dắt tay lôi đi lòng vòng trong sân. Bệnh nhân Nguyễn Văn Bền bị liệt chăm sóc rất vất vả. Bệnh nhân Nguyễn Thị Lộc hơn 80 tuổi, già yếu rất khó tính...
Ở trung tâm này, gần mười gia đình có hai hay ba người bị bệnh, thậm chí có gia đình có bốn người tâm thần như bốn anh chị em bệnh nhân Lan, ba anh em bệnh nhân Vương, ba anh chị em bệnh nhân Vẫy, ba anh em bệnh nhân Doanh... Có gia đình cả ba thế hệ đều ở trung tâm này như gia đình bệnh nhân Ớt. Người bệnh ít tuổi nhất trại mới 20 còn người già nhất ngoài 80... Cả trại có hơn 40 cán bộ, nhân viên nhưng phải chăm sóc, phục vụ suốt cả ngày lẫn đêm có lúc hơn 250 người điên. Từ khám chữa bệnh, giờ uống thuốc, lo ăn ngày ba bữa, vệ sinh phòng ngủ... Tất tần tật mọi việc lớn nhỏ ở trại, cán bộ, nhân viên phải làm hết.
Hai trăm năm mươi bệnh nhân ở đây thuộc diện tâm thần phân liệt loại nặng, gần như không ai có thể quay về xã hội được nữa. Và khi họ nhắm mắt xuôi tay, lìa cõi trần thế này, không một người thân thích, các cán bộ, nhân viên ở đây vuốt mắt, thắp nén nhang tiễn biệt và chôn cất họ chu đáo như một người thân. Có năm, mồng 1 Tết, có người lăn ra chết, thế là cán bộ, nhân viên trại đôn đáo lo hậu sự coi như mất Tết...
Y sĩ Vũ Văn Khởi được xếp vào hàng cao niên nhất trung tâm này với thâm niên 27 năm sống cùng bệnh nhân. Anh vẫn còn nhớ như in những năm nghèo đói của thập kỷ 80 thế kỉ trước, hàng chục người tâm thần ở trung tâm chết vì bệnh tật, có năm chết gần bốn mươi người. Phía sau trại, sát bờ đê là thảm cỏ xanh rì, không một tấm bia, nơi yên nghỉ của hàng trăm người mà khi sống họ cũng không nhớ mình là ai và cũng không ai nhớ đến họ và khi đã chết họ vẫn nằm cùng nhau xanh rì như bãi cỏ dưới chân đê này vậy.
Y sĩ Khởi trò chuyện với bệnh nhân 3. Trở thành cán bộ, nhân viên làm việc trong trung tâm, bên cạnh tình yêu với nghề phải có một tình yêu thương con người thật lớn và cũng quyết tâm vô cùng mới có thể trụ lại được với công việc đặc biệt này. Cách đây vài năm, một bác sĩ trẻ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tự dưng viết đơn xin về làm việc ở trung tâm. Người thân cậu bác sĩ này ra sức can ngăn vì một bác sỹ trẻ, giỏi nghề tìm đâu không được việc làm tốt, đồng lương khấm khá mà lại “đi đâm đầu vào cái trại tâm thần” nhưng anh vẫn quyết tâm làm điều mình mong muốn. Đó là bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng (33 tuổi).
Lâu lắm rồi, trại mới có thêm một bác sĩ. Bởi dù luôn trong tình trạng khát bác sĩ nhưng chả ai dám về. Bác sĩ Dũng kiêm luôn chức Bí thư chi đoàn của trung tâm. Và với sức trẻ đầy nhiệt huyết của mình, anh Dũng thổi vào phong trào đoàn trại thêm khởi sắc... “Khi còn là sinh viên y khoa, mình đã chọn học chuyên khoa tâm thần rồi. Khi được về đây công tác, mình rất vui vì được làm đúng chuyên môn nên sẽ cố làm hết sức phục vụ, chữa bệnh cho người tâm thần tốt nhất”, bác sĩ Dũng tâm sự.
Người thợ máy thường hay nói to vì thói quen anh ta hay nói to để át tiếng máy lúc cần trao đổi mà máy vẫn đang chạy. Bác sĩ phải thường nhìn thấy vi trùng... Ở trại tâm thần cũng vậy, con người bình thường mà vào làm ở trại dường như cũng muốn… hóa tâm thần. Phải làm việc và sinh hoạt tách biệt hẳn khỏi xã hội đằng đẵng hàng chục năm trời trong một môi trường toàn những tiếng la hét, gào thét vô hồn, khóc lóc thảm thiết, người hát hò, chửi bới, kẻ trầm tư bất động góc sân... suốt cả ngày lẫn đêm, con người dù can đảm đến mấy cũng dường như bị “nhiễm” mà tạm gọi là bệnh nghề nghiệp. Anh Khởi kể: “Vừa tắm xong cho một bệnh nhân, đang hí húi cắt móng tay, móng chân cho anh ta thì bất ngờ anh này lên cơn ngứa nghề đánh túi bụi vào mặt mình. Dường như vẫn chưa hả dạ, anh ta hò hét gọi đồng đội vào. Thế là một nhóm bệnh nhân đấm đá túi bụi đến mức mình đau quá ngã lăn ra đất... rồi phải nhập viện cấp cứu...”.
Rồi anh trải lòng mình: “Ở đây, bác sỹ, nhất là hộ lý, y tá vẫn bị bệnh nhân đánh luôn. Thậm chí, nhiều người bị đánh nhiều thành quen rồi. Lúc đầu, mình bị đánh cũng thấy bực lắm vì mình chăm sóc, chữa bệnh cho người ta mà lại bị đánh nhưng chẳng lẽ lại đi chấp với người thần kinh à. Nhiều khi bị đánh chửi vẫn phải cười nịnh, dỗ dành. Mỗi lần chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân là căng thẳng lắm, luôn sẵn sàng tư thế phòng thủ, nhanh chân chạy trước rồi tính sau. Ban đầu không có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân thần kinh bị đánh sứt đầu mẻ trán là chuyện thường gặp...”, anh Khởi cho hay.
Vợ anh Khởi cũng làm cấp dưỡng ở trại. Nối nghiệp bố, con trai anh Khởi sau khi tốt nghiệp trường y vào làm việc ở trại tâm thần này. Y sĩ Phạm Thị Lí cũng có 21 năm làm việc ở đây... “Điều mà nhiều cán bộ, nhân viên ở đây buồn nhất có lẽ là không dám khoe ai nghề nghiệp của mình và cũng rất hiếm cán bộ trẻ có bằng cấp về công tác. Con gái sẽ khó lấy chồng khi làm việc trong môi trường khép kín ở trại tâm thần nữa lại càng khó khăn...” - ông Bùi Công Tỉnh, giám đốc trại tâm sự.
NHẬT LAM |