Chuyện hiếm muộn và nỗi lòng người trong cuộc

13:50 07/04/2017

Lấy nhau đã nhiều năm, không ít cặp vợ chồng mặc dù “thả cửa” trong chuyện chăn gối, nhưng không thể mang thai. Nỗi khao khát có con luôn thường trực tạo áp lực nặng nề đối với họ. Sau thời gian chạy đôn chạy đáo chữa trị, đã có những giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc, nhưng lại có những giọt nước mắt lặn sâu chôn chặt trong lòng vì đớn đau, thất vọng. Bởi không ít người ngậm đắng nuốt cay chỉ vì đặt niềm tin nhầm chỗ…

Nỗi niềm hiếm muộn

Câu chuyện về hành trình hơn 10 năm điều trị vô sinh của vợ chồng anh Nguyễn Nhật Minh, sinh 1977 và chị Nguyễn Thị Huệ, sinh 1980, ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, cho thấy sự kiên trì và nỗi niềm khát khao cháy bỏng mong có được mụn con. Anh Minh kể: Anh và chị Huệ yêu nhau từ khi còn là sinh viên đại học. Sau khi ra trường, cả hai đều tìm được công việc ổn định, rồi tiến tới hôn nhân. Anh Minh là con trai duy nhất trong gia đình nên bố mẹ anh rất mong có cháu. Tuy nhiên lấy nhau đã 3 năm, nhưng vợ anh chưa một lần mang thai. Vì vậy, mỗi lần vợ chồng anh dẫn nhau về quê, đều bị bố mẹ phàn nàn. Sốt ruột chuyện con cái, hai vợ chồng anh đã đến BV phụ sản Trung ương thăm khám và nhận được kết luận vợ chồng thuộc diện hiếm muộn. Cũng kể từ đó, vợ chồng tằn tiện được đồng nào đều dồn vào để điều trị vô sinh.

Có bệnh thì vái tứ phương, nghe ai mách có thầy giỏi, thuốc hay, vợ chồng anh đều tìm đến. Hơn 10 năm qua, vợ chồng anh chạy chữa khắp nơi, cả đông - tây y kết hợp và đã 4 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đều thất bại. Số tiền chữa vô sinh đã lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng số phận vẫn chưa mỉm cười với anh chị. Nỗi  niềm khát con khiến chị Huệ lúc nào cũng ủ rũ, lo lắng. Chị lại thường xuyên bị áp lực căng thẳng từ gia đình nhà chồng. Cái mong ước đơn giản với nhiều người, nhưng lại là điều khó khăn vô cùng đối với vợ chồng chị.

Trường hợp vợ chồng anh Bùi Văn Khoa, sinh 1979 và chị Nguyễn Thị Thoa, sinh 1981, ở quận Lê Chân, cũng chung cảnh ngộ. Lấy nhau được 5 năm, chị Thoa đã 4 lần mang thai nhưng đều bị sảy khi mới được vài tuần tuổi. Qua thăm khám, bác sỹ kết luận chị bị rối loạn nội tiết và bất thường về nhiễm sắc thể nên dễ sảy thai. Sau thời gian dài điều trị tây y không hiệu quả, nghe bạn bè giới thiệu, vợ chồng chị tìm đến một ông thầy lang ở huyện Tiên Lãng. Sau khi bắt mạch, thầy nói chị chỉ cần uống hết 3 tháng thuốc bắc là thai sẽ phát triển khỏe mạnh. Để yên tâm, chị kiên trì uống hẳn 5 tháng thuốc, mỗi tháng chi phí hết 5 triệu đồng, vậy mà có thai được hơn 1 tháng lại… tiếp tục hỏng.

Còn vợ chồng anh Phạm Văn Hưng, 39 tuổi và chị Vũ Thị Lệ, 38 tuổi, ở quận Hải An, cũng lấy nhau đã 6 năm mà tin vui bầu bí vẫn bặt tăm. Khát khao có con làm chị Lệ nhiều đêm không ngủ được. Càng lo lắng khiến chị càng bị áp lực. Chị Lệ bị tắc một bên vòi trứng, còn chồng chị thì tinh trùng yếu, nên dù đã trải qua 3 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhưng vẫn chưa có kết quả. Cuối năm ngoái, cả gia đình mừng húm khi chị Lệ báo tin có bầu nhưng chỉ ít ngày sau đó chị lại bị sảy thai. Tuy được gia đình nhà chồng và chồng động viện, nhưng chị Lệ vẫn không cảm thấy nguôi ngoai. Chị luôn khao khát và thèm muốn trong nhà có tiếng trẻ thơ…

Cần sự cảm thông từ 2 phía

Vì “khát con” mà 15 năm qua, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hạ, sinh 1976, ở thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, đã không tiếc tiền cho lang băm, thậm chí tự biến mình thành “con nghiện” của việc bói toán, cầu cúng…

Qua câu chuyện của chị về hành trình “cầu tự” của mình trong nhiều năm qua, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ngày mới về làm dâu, lại là dâu trưởng, chị tự nhủ phải sinh cho chồng cậu con trai nối dõi tông đường. Tâm lý đó khiến chị bị áp lực đè nặng. Sau hơn 2 năm chưa thấy con dâu “có gì”, mẹ chồng chị như ngồi trên đống lửa.

Bà bắt đầu lên kế hoạch tẩm bổ cho chị để mong có đứa cháu nội. Nhưng 5 năm qua đi, chị vẫn không sinh con cho anh được. Gia đình nhà chồng bắt đầu nói ra nói vào, trách móc chị là người đàn bà cô quả. Hai vợ chồng dắt nhau đến bệnh viện làm xét nghiệm thì nhận được kết quả cả hai đều bình thường.

Suốt 15 năm qua, vợ chồng chị chạy chữa khắp nơi nhưng đều không có kết quả. Có người mách chị xin con ở đền, chùa nhưng phải nhờ thầy cúng cao tay lập đàn cúng thì lộc con cái mới đến. Có những khóa lễ làm tốn cả chục triệu đồng nhưng đến giờ chị vẫn chưa có được một mụn con. Khát vọng được làm mẹ luôn thôi thúc khiến chị mù quáng. Ai mách gì, dù có phải vay mượn tiền bạc chị cũng chấp nhận. Nhưng con chưa thấy có mà chị đã đẩy gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Theo các chuyên gia về y tế, hiếm muộn là một trong những bệnh lý phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Một cặp vợ chồng sinh sống với nhau, không dùng biện pháp ngừa thai nào trên một năm mà vẫn không có thai, có thể xem là đã mắc chứng hiếm muộn, vô sinh.

Ngoài nguyên nhân do cơ địa của từng người (nam, nữ có những khuyết tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục), còn có các yếu tố bên ngoài là nguyên nhân làm xấu đi sức khỏe sinh sản: ô nhiễm môi trường, vô tình sử dụng các loại hóa chất độc hại trong thức ăn, nước uống, lối sống phung phí sức khỏe khi sử dụng rượu bia, thuốc lá thái quá, căng thẳng trong cuộc sống… Các yếu tố trên làm cho cả vợ chồng đều bị suy giảm chức năng sinh sản.

Qua tìm hiểu cho thấy, áp lực của phụ nữ hiếm muộn đến từ nhiều phía: bản thân, chồng, gia đình chồng, bạn bè, đồng nghiệp rồi dư luận xã hội. Đặc biệt nhất là áp lực mong có con có cháu từ phía nhà chồng. Nếu chồng là con một thì càng ám ảnh đến tâm lý của những người phụ nữ hiếm muộn hơn.

Đã có những trường hợp hiếm muộn bị gia đình chồng gây áp lực để vợ chồng phải bỏ nhau. Tình trạng hiếm muộn ảnh hưởng nhiều mặt đến cuộc sống gia đình, thậm chí có thể trở thành “bi kịch” trong đời sống vợ chồng. Không ít phụ nữ vì mặc cảm bởi những câu nói cay độc từ những người xung quanh mà cố tình giấu giếm, không dám đi khám và điều trị bệnh.

Suy nghĩ lạc hậu này đã khiến họ ngày càng xa cách, tách biệt với người xung quanh. Khi rơi vào cảnh hiếm muộn, dù nguyên nhân xuất phát từ người nào thì các đôi vợ chồng vẫn cần phải có sự đồng tâm nhất trí, sự cảm thông từ người bạn đời.

Theo bác sỹ Hoàng Hiền, Trưởng khoa sản BV Kiến An, phụ nữ bị áp lực tâm lý thì sự rụng trứng có thể bị ức chế và sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Với người chồng, sự căng thẳng tâm lý sẽ ức chế quá trình sản xuất tinh trùng. Do đó, các cặp vợ chồng nên tạo cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ.

Sau khoảng 1 năm quan hệ bình thường, không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có con, nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị. Nếu phát hiện sớm, cơ hội điều trị hiếm muộn thành công sẽ cao hơn. Trong quá trình điều trị hiếm muộn, cả 2 vợ chồng cần phải kiên nhẫn.

 Khi trút bỏ được căng thẳng và áp lực từ việc mong muốn có con, những cặp vợ chồng hiếm muộn có thể sẽ dễ dàng thụ thai hơn mà không phải nhờ đến bác sĩ. Ngoài ra, khi rơi vào hoàn cảnh này, các cặp vợ chồng cũng nên chia sẻ với người có cùng cảnh ngộ về kinh nghiệm của bản thân để cùng tham khảo và lựa chọn cho mình giải pháp phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất là sự cảm thông, hiểu nhau của hai vợ chồng.

Hồng Hải

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích