Cảnh sát hình sự hay gọi thân thiện hơn “lính hình sự” có lẽ đã quen thuộc với mọi người. Ai từng theo dõi những tập phim trên truyền hình sẽhình dung ra một phần công việc của họ. Nhưng đó chỉ là một phần thôi, chứ điều tra, phá án của lính hình sự còn muôn màu muôn sắc lắm. Đối diện với đó hẳn gian khổ nguy hiểm và không ít hy sinh. Chuyện lính hìnhsự công an thành phố đánh án khó mà kể hết. Dịp này chúng tôi chỉ xin ghi lại những chuyện của các trinh sát, điều tra viên Đội 2 - PC45.
| Áp giải các đối tượng lẩn trốn tại các tỉnh phía Nam qua cảng hàng không Cát Bi |
Thượng tá, đội trưởng Nguyễn Minh Hùng cho biết, nhiệm vụ của đội là phòng, chống, điều tra xử lý hoạt động tội phạm trên các tuyến quốc lộ, địa bàn trọng điểm như sân bay, bến cảng, bến xe và khu vực trung tâm thành phố. Năm 2010, tình hình hoạt động tội phạm trên tuyến dù có những diễn biến phức tạp, song những người lính hình sự luôn bám sát địa bàn, nắm chắc các di biến động của các đối tượng, phá 2 chuyên án, bắt 5 kẻ phạm pháp; xóa phá 3 ổ nhóm, bắt 67 đối tượng chuyên cướp giật, trộm cắp tài sản người đi đường.
Đáng nói, đội đã thụ lý 14 vụ án, khởi tố 83 bị can, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 7 vụ với 66 bị can. Nói thì dễ, chứ đạt được kết quả đánh án đấy là cả sự nỗ lực của 14 trinh sát, điều tra viên trong đội, ít người biết họ từng nếm trải gian nan vất vả như thế nào. Mặc nhiên, khi đã mang cái “nghiệp” vào thân, đã vì cuộc sống bình yên này họ chẳng quản ngại gian khó.
Nghe thượng úy Nguyễn Đức Toàn kể lại, lính hình sự có nhiều kỷ niệm, bài học lắm. Họ vui chất ngất khi phá thành công 1 chuyên án, nhưng cũng có khi bị chìm khuất bao nỗi lo chưa tìm ra thủ phạm của 1 vụ án lớn. Tuy nhiên, gian khổ thì khỏi phải nói và phải biết chấp nhận. Nguyễn Đức Toàn nhớ lại ngày phá vụ án đánh bạc lớn ở xã Bát Trang, huyện An Lão, có tới gần 80 đối tượng từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng tham gia. Yêu cầu của Giám đốc công an thành phố là phá nhanh, bắt gọn không gây thêm bức xúc cho nhân dân trong vùng. Qua nắm tình hình, lính hình sự biết rõ tổ chức đánh bạc này chọn địa điểm “khá độc” và sẽ vô cùng khó khăn khi đột nhập, vây bắt.
Cụ thể, chủ chứa Hoàng Văn Nhuân (thôn Trung Trang, xã Bát Trang) mở sòng ngay tại nhà mình là điểm nằm sát bờ đê sông Lạch Tray, đường ra vào gần như độc đạo. Sới bạc được canh phòng từ xa rất cẩn thận. Hễ người lạ đến là chúng phát hiện ra liền, lập tức liên lạc đánh động giải tán. Bắt đánh bạc mà không bắt quả tang thì khó xử lý.
Bàn bạc, đặt ra nhiều phương án đột nhập, cuối cùng các trinh sát Đội 2 chọn “kế” xâm nhập vào ban đêm. Được biết, ổ nhóm này thường tổ chức đánh bạc thành 3 ca (sáng, chiều, tối). Nhất là vào buổi tối thường bắt đầu từ 20h30 đến 23h30 và rất đúng giờ. Vài đêm mật phục, theo dõi bên ngoài, khó khăn lắm các trinh sát mới có mặt tại sào huyệt của tổ chức đánh bạc và cũng bằng nhiều vai khác nhau tự nguyện tham gia cuộc chơi.
Chính lần đột nhập ấy, các trinh sát của ta không chỉ điểm mặt được các đối tượng mà vẽ sơ đồ, lập phương án bắt nhanh, bắt gọn một cách dễ dàng. Đến ngày 14-12-2009 sau khi đột nhập, các trinh sát báo cáo lãnh đạo đơn vị trình kế hoạch phá án nhanh. Nếu ta phá án ban đêm sẽ có nhiều bất lợi, các đối tượng khi bị động rất dễ tẩu tán, lẩn trốn. Phá án ban ngày cũng có phần mạo hiểm, nhưng phải táo bạo và không cho 1 đối tượng nào trốn thoát.
Phương án được đặt ra đúng 15h ngày hôm sau (15-12-2009) ta bố trí lực lượng thành 2 mũi, khống chế các “bảo vệ” từ vòng ngoài để đột nhập thẳng vào bắt quả tang. Phía ngoài các lực lượng đã vây giáp chặt chẽ nên không đối tượng nào trốn thoát. Quả nhiên ta đã thành công, bắt gọn tổ chức đánh bạc lớn, khởi tố đưa ra xét xử 66 đối tượng từ nhiều vai trò khác nhau. Có điều lính hình sự qua vụ án này quá vất vả.
Nếu như phá một vụ án đã xác định được đối tượng địa điểm như các bãi bạc có cái khó đấy, nhưng mưu trí, táo bạo thì sẽ thành công. Khổ nhất là đánh 1 chuyên án đối tượng hoạt động luôn di động và không có giờ giấc nào được xác định càng khó khăn gấp bội. Nhiều trinh sát, điều tra viên Đội 2 kể lại rằng, đội phá chuyên án 807C (đấu tranh nhóm trấn cướp xe máy trên tuyến quốc lộ 5 quốc lộ 10) kéo dài đến nửa năm trời và phải huy động biết bao lượt trinh sát vào cuộc, lần tìm từng dấu vết đối tượng, có lúc tưởng chừng như bế tắc.
Từ giữa tháng 5-2007, trên các tuyến QL 5, QL 10 xảy ra nhiều vụ cướp xe máy. Mật độ có thể nói khó tưởng tượng nổi, một tuần xảy ra tới 4 vụ cướp. Chủ yếu các đối tượng cướp nhằm vào người đi đường dừng lại tâm sự hoặc vệ sinh, chúng liền dùng hung khí “nóng” áp đảo, đe dọa rồi cướp xe. Nhiều công nhân khu công nghiệp Nomura đi làm ca đêm về bị bọn chúng theo sát, đến địa điểm thuận lợi là đe dọa, trấn lột xe trên đường.
Trước bức xúc đó, lãnh đạo Phòng PC45 giao cho đội 2 xác lập chuyên án và lên kế hoạch phá án. Hầu hết các trinh sát trong đội đã phải mất nhiều ngày đêm mật phục, nhưng không thành công. Có hồ sơ, tài liệu qua khai báo của người bị hại rồi đấy, nhưng lần tìm đâu ra thủ phạm. Vì các đối tượng này rất xảo quyệt, luôn tự cải trang để người bị hại không nhận dạng được và chúng thường hoạt động không theo 1 quy luật nào. Qua nhiều biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát lần mò từng dấu vết để tìm đến nơi tiêu thụ. Sau khi phát hiện đối tượng Lê Thị Nguyệt (ở Miếu Hai Xã, quận Lê Chân) có biểu hiện trong thời gian này tiêu thụ nhiều xe máy là của gian.
Tiếp tục theo dõi, các trinh sát phát hiện thêm Phạm Tiến Mạnh, sinh 1977 (ở Hồng Bàng Hải Phòng) thường qua lại với thị Nguyệt bằng 1 xe máy Jupiter vào các buổi tối. Xác minh chiếc xe máy của Mạnh đang sử dụng lại chính là chiếc xe của 1 vụ cướp xảy ra ở khu vực PG An Đồng, huyện An Dương. Khi đã có cơ sở khá chắc chắn, đội 2 đề xuất phương án bắt khẩn cấp Nguyệt và Mạnh để đấu tranh. Lúc đầu Mạnh quanh co, nhưng trinh sát đưa ra các bằng chứng hắn đang sử dụng của gian, lúc đó Mạnh mới cúi đầu nhận tội.
Ngày 30-12-2007, nút của chuyên án được mở ra. Phạm Tiến Mạnh buộc khai nhận, thời gian qua cùng với các đối tượng Nguyễn Văn Tùng, sinh 1964 (An Đồng, An Dương) và Nguyễn Phạm Hưng, sinh 1976 (Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng) tổ chức một số vụ cướp xe máy của người đi đường. Phương án bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Phạm Hưng được thực hiện ngay sau đó. Bọn chúng còn khai nhận thêm 3 đối tượng nữa là những nhóm chuyên tổ chức cướp xe máy trên tuyến QL 5, QL 10. Đúng sau 6 tháng vất vả, đội 2 đã phá thành công chuyên án 807C và góp phần phá thành công nhiều chuyên án cướp trên tuyến.
Điều ghi nhận, qua nhiều chuyên án khó khăn đối với lính hình sự là các đối tượng bao giờ cũng có thủ đoạn tinh vi và thường hoạt động lưu động. Đối tượng ở địa bàn này thường sang địa bàn khác gây án, nên công việc điều tra phá án gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng cũng qua phá các chuyên án cướp trên tuyến thành công, nhiều trinh sát, điều tra viên càng có thêm bản lĩnh, bài học nghiệp vụ. Thế nên đội trưởng Nguyễn Minh Hùng vẫn thường nhắc nhở các trinh sát trẻ trong đội “càng cọ sát với thực tế, càng khó khăn gian khổ lính hình sự trẻ càng trưởng thành và hơn hết những chuyên án mới bao giờ cũng được phá án nhanh gọn hiệu quả…”.
Chúng tôi hiểu ngầm ý của đội trưởng Hùng khi được biết ngay trong đầu năm 2011 này, đội 2 đã phá thành công 3 chuyên án (1 chuyên án cướp tài sản và 2 chuyên án trộm cắp tài sản). Chiến công của những người lính hình sự đội 2 quả là không nhỏ. Họ xứng đáng được nhận nhiều phần thưởng khích lệ. Lẽ dĩ nhiên, trước mắt họ là cả cuộc đấu tranh cam go quyết liệt với các loại tội phạm. Bằng bản lĩnh từng trải, mỗi người lính hình sự công an thành phố đều vì nhân dân phục vụ.
TÚ SƠN |