15:37 10/07/2020 Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thú y Việt Nam, Báo An ninh Hải Phòng xin giới thiệu đến bạn đọc một trong hai gương mặt tiêu biểu, xuất sắc nhất của ngành Thú y Hải Phòng lọt vào danh sách các cá nhân được đề nghị Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen nhân dịp này vì có nhiều cống hiến, đóng góp cho ngành Thú y, cho sự nghiệp phòng chống dịch bệnh động vật, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của Hải Phòng. Đó là Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố – Bùi Văn Luyện.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), năm 2000, chàng trai trẻ Bùi Văn Luyện xin vào làm cho một số Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc Thú y tại Hà Nội. Đến năm 2004, anh chính thức bén duyên với ngành Thú y Hải Phòng. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của người cán bộ Thú y trẻ năng động, đầy nhiệt huyết.
Theo anh chia sẻ: những năm đó, hệ thống Thú y thành phố đang trong giai đoạn kiện toàn, chưa được nhà nước quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực. Máy móc, thiết bị, nhân lực ít, dịch cúm gia cầm tại thời điểm đó (nhất là cuối năm 2003, đầu năm 2004) lại diễn biết hết sức phức tạp. Lần đầu tiên Việt Nam phải đối mặt với một loại dịch bệnh mới, xuất hiện nhanh, lây lan mạnh, đặc biệt nguy hiểm hơn là theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm H5N1 có thể biến đổi gene tạo thành chủng virus mới gây nguy hiểm sang người làm hoang mang tâm lý xã hội.
Tại thời điểm này, với bầu nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ mong muốn được cống hiến, khẳng định giá trị của bản thân, bằng những kiến thức, kinh nghiệm đã được trang bị bài bản trên ghế giảng đường; chàng cán bộ Thú y trẻ Bùi Văn Luyện cũng giống như các đồng nghiệp của anh, hăng hái tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy. Ngày ngày anh miệt mài trong phòng thí nghiệm chuẩn đoán dịch bệnh, lại thường xuyên có mặt tại các ổ dịch, trên các trục đường giao thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm của dịch. Đồng thời hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm quy trình phòng chống, bao vây ổ dịch, khống chế sự lây lan mầm bệnh dịch, xử lý môi trường, kiểm soát việc lưu thông gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhằm chặn đứng nguyên nhân, điều kiện làm dịch bệnh lây lan. Đã vậy, sau khi tình hình dịch cúm H5N1 được kiểm soát, trong xã hội lại nảy sinh tâm lý quay lưng lại với gia cầm. Lúc này, để góp phần cùng chính quyền các cấp, người dân thành phố cũng như cả nước nhanh chóng phục hồi sản xuất sau dịch, anh đã cùng đồng nghiệp của mình phối hợp với các ngành chức năng, nhất là ngành Y tế, tham mưu, đề xuất cho chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Một mặt nhằm hỗ trợ người chăn nuôi phục hồi sản xuất, tái đàn sau dịch. Mặt khác nâng cao nhận thức cho người dân không quay lưng lại với gia cầm, yên tâm sử dụng gia cầm sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Từ những “bước đi”, trải nghiệm đầu tiên gắn bó với ngành Thú y đầy gian nan, vất vả, hiểm nguy và cũng rất đối tự hào như thế, đã góp phần tôi luyện lên một cán bộ thú y mẫn cán, tâm huyết, trách nhiệm với nghề.
Ngót hai chục năm qua, dù ở cương vị công tác nào, anh cũng không ngừng tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, có đóng góp rất lớn cho ngành Thú y thành phố trong công tác chuẩn đoán, phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sản xuất chăn nuôi.
Đơn cử, chỉ tính riêng 2 năm gần đây (năm 2018, 2019), gánh trọng trách là Phó Chi cục Trưởng trực tiếp phụ trách các lĩnh vực trọng yếu, then chốt của ngành như: phòng chống dịch bệnh động vật; quản lý việc cấp phát, cung ứng, cách sử dụng các loại trang thiết bị vật tư thú y, vắc xin, thuốc thú y, hoá chất khử trùng tiêu độc theo quy định hiện hành; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật…, anh đã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, trạm liên quan triển khai thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của đơn vị.
Nhờ đó, năm 2018 trên đàn gia cầm của thành phố xuất hiện 5 ổ dịch thì tất cả các ổ dịch đều có quy mô nhỏ, được kịp thời phát hiện, khoanh vùng, dập tắt. Bước sang năm 2019 đàn gia cầm của thành phố phát triển ổn định; không phát hiện gia cầm ốm, chết, tiêu hủy do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra. Riêng đối với đàn lợn, năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát trên phạm vi toàn quốc gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Tại Hải Phòng, dịch khiến 182.815 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy, chiếm 53,13% tổng đàn trước dịch.
Khi có dịch phát sinh, anh Luyện đã trực tiếp chỉ đạo các trạm, chốt kiểm dịch liên ngành đầu mối giao thông kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra - vào thành phố; thực hiện khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua trạm, chốt đúng quy định. Thực hiện chỉ đạo của anh, chỉ tính từ ngày 5-3 đến 19-11-2019, lực lượng chức năng đã kiểm soát được 930 xe, trong đó 693 phương tiện vận chuyển lợn. Qua đó phát hiện, xử lý nghiêm 4 phương tiện vi phạm. Đồng thời chỉ đạo các phòng, trạm lấy 870 mẫu huyết thanh tại 16 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, trang trại, trung tâm tham gia chương trình giám sát xét nghiệm, kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi; thực hiện quy trình kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Phối hợp với các huyện, quận thu gom, xử lý trên 420 xác lợn chết trôi dạt vào cầu Phao sông Hóa, trên hệ thống kênh, mương, nơi tập kết rác... Công tác phòng chống dịch được đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt nên hiện nay dịch đã cơ bản được khống chế; các dịch bệnh khác trên lợn ổn định.
Ngoài ra, trong năm, anh còn tham mưu cho Sở NN&PTNT, UBND TP đề nghị Bộ NN&PTNT xuất cấp 50.000 kg hóa chất từ nguồn dự trữ Quốc gia, kịp thời xử lý diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh tại quận Dương Kinh.
Công tác tiêm phòng dại cho đàn chó mèo, tiêm vắc xin cúm gia cầm; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y… được anh chú trọng chỉ đạo siết chặt đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất khả năng dịch bệnh xâm nhập, lây lan, gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo vệ sinh thú y, VSATTP, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng…
Nhờ có những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm như anh mà mạng lưới thú y thành phố không ngừng được củng cố, kiện toàn, vững mạnh cả về số lượng, chất lượng. Bao năm qua, Hải Phòng đã khống chế, ngăn chặn thành công nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn GSGC; một số dịch bệnh chỉ xảy ra nhỏ lẻ, nhanh chóng được dập tắt, không lây lan rộng. Đã qua 10 năm Hải Phòng khống chế được bệnh Tai xanh ở lợn. Đối với bệnh cúm gia cầm, trong các năm 2014, 2016, 2017, 2019, Hải Phòng không xảy ra dịch bệnh; các năm khác phát sinh dịch cũng chỉ là một vài ổ dịch nhỏ nhanh chóng được dập tắt...
Với những thành tích kể trên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố – Bùi Văn Luyện đã nhiều lần được các cấp biểu dương khen thưởng. 2 năm liền (2018, 2019) anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Khánh Chi