Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Quy định về điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ

15:38 19/12/2023

Điều 20, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về việc “Điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ”.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an điều động Cảnh sát cơ động trong phạm vi toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ.

Tư lệnh Cảnh sát cơ động điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong 3 trường hợp sau đây: Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án thuộc thẩm quyền phê duyệt; Đơn vị Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp trên phê duyệt, được ủy quyền phê duyệt hoặc khi được giao chủ trì chỉ huy giải quyết các tình huống cụ thể; Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.

Giám đốc Công an cấp tỉnh điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ trong 2 trường hợp sau đây: Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp trên phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt;Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.

Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động điều động, sử dụng đơn vị thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều động đơn vị thuộc quyền tham gia phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và đồng thời báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp. Việc điều động Cảnh sát cơ động trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm được thực hiện theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, với quy định nêu trên của điều Luật cho thấy, Luật Cảnh sát cơ động đã quy định chặt chẽ về thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ từ cấp Bộ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh đến chỉ huy các đơn vị theo các trường hợp khác nhau, bao gồm trường hợp theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt và trường hợp cấp bách khi chưa có kế hoạch, phương án để bao quát các tình huống có thể xảy ra trên thực tế.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an điều động tất cả các đơn vị Cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ. Đối với Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Luật quy định thẩm quyền điều động trong 3 trường hợp kể trên. Đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ trong 2 trường hợp kể trên.

So với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tại Luật Cảnh sát cơ động không quy định thẩm quyền điều động theo quy mô đơn vị, mà quy định thẩm quyền điều động theo thẩm quyền phê duyệt phương án, kế hoạch.

Quy định này vừa đảm bảo chặt chẽ nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong việc điều động, sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất, mức độ của từng vụ việc. Đồng thời cũng phù hợp với đặc thù của Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, ra quân thực hiện nhiệm vụ chủ yếu theo phương án, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thẩm quyền phê duyệt phương án của lực lượng Cảnh sát cơ động đã được quy định cụ thể, chặt chẽ tại Thông tư số 50/2022/TT-BCA quy định quy trình xây dựng và thực hiện phương án của Cảnh sát cơ động.

Đối với thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách, người điều động phải đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an. Quy định này bảo đảm chặt chẽ trong việc điều động, sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách khi chưa có kế hoạch, phương án được phê duyệt; đồng thời quy định này cũng phù hợp với thẩm quyền chỉ huy trong Công an nhân dân được quy định tại Điều 19 Luật Công an nhân dân năm 2018, theo đó Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.

Như vậy, quy định tại Luật Cảnh sát cơ động về thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ vừa đảm bảo tính chặt chẽ nhưng cũng đảm bảo linh hoạt, chủ động trong điều động, sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động phù hợp với quy mô, tính chất, phạm vi của từng tình huống, vụ việc cụ thể nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông