18:39 09/05/2022 Thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cư trú (Thông tư 55/2021/TT-BCA). Vậy sự cần thiết phải ban hành Thông tư này là gì?
Một là: Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 13-11-2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-72021. Luật Cư trú năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới so với Luật Cư trú năm 2006, mang tính “cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, cụ thể:
(1) Thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức đăng ký, quản lý bằng công nghệ thông tin (thông qua hệ thống phần mềm, dữ liệu thông tin cư trú được quản lý tập trung trong Cơ sở dữ liệu về cư trú);
(2) Giao thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú cho Công an xã, phường, thị trấn (thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã thuộc tỉnh), Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã;
(3) Bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương;
(4) Bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú;
(5) Bổ sung quy định về khai báo cư trú đối với những trường hợp công dân Việt Nam nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú…
(6) Quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
(7) Bổ sung một số trường thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (nơi tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng và họ, chữ đệm và tên, số ĐDCN/ CMND của các thành viên hộ gia đình) phục vụ việc giải quyết các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự của công dân (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 của Luật CCCD).
Đồng thời, Luật Cư trú giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các nội dung sau:
- Khoản 3 Điều 15 Luật Cư trú: Quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại đơn vị đóng quân đối với người học tập, công tác, làm việc trong Công an nhân dân (sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kĩ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân Công an).
- Khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú: Quy định cụ thể phương tiện khác để thực hiện thông báo lưu trú (ngoài hình thức trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử).
- Khoản 3 Điều 31 Luật Cư trú: Quy định cụ thể phương tiện khác để thực hiện khai báo tạm vắng đối với trường hợp:
(1) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(2) Trường hợp đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài (ngoài khai báo trực tiếp, qua điện thoại và phương tiện điện tử).
- Khoản 3 Điều 33 Luật Cư trú: Quy định cụ thể hình thức khác để xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng (ngoài hình thức văn bản, tin nhắn điện tử).
Hai là: Ngày 9-9-2014, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 35/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18-4-2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9-9-2014 đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý cư trú, phát huy tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà, hạn chế được các biểu hiện tiêu cực trong công tác này.
Tuy nhiên, qua quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ, phát sinh một số tồn tại, thiếu sót gây khó khăn trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như:
(1) Thực hiện bằng phương thức thủ công chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân do đó, cần quy định việc đăng ký, quản lý cư trú theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử;
(2) Chưa quy định xóa đăng ký thường trú đối với những trường hợp đã có quyết định thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch, vắng mặt tại địa phương thời gian dài không biết đi đâu gây khó khăn cho công tác quản lý;
(3) Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại đơn vị đóng quân đối với người học tập, công tác, làm việc trong Công an nhân dân;
(4) Chưa có quy định về quản lý đối với những trường hợp công dân Việt Nam nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú…
Do đó, việc ban hành Thông tư số 55/2021/TT-BCA là rất cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng ký cư trú, đáp ứng yêu cầu của việc đăng ký, quản lý cư trú bằng phương thức mới…
KC
09:55 05/11/2024
14:35 31/10/2024