Chuyên mục Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 – Phần II Nghị định số 105/2021/NĐ-CP: Quy định về lập hồ sơ, chế độ báo cáo các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý

14:41 06/07/2023

Tại Điều 32, Chương III, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 4-12-2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022, đã đưa ra những quy định chi tiết về việc lập hồ sơ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý.

Theo đó, Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng, chống ma túy  phải lập hồ sơ theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành, trong đó phải  đảm bảo bao gồm 2 nội dung sau:

a) Cơ quan, tổ chức có hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất phải lưu trữ số liệu theo dõi số lượng, chất lượng, thời hạn sử dụng, quy trình sản xuất; số liệu về xuất, nhập, tồn kho; phiếu xuất, nhập kho;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập phải lưu trữ số liệu nhập, xuất, tồn kho và hóa đơn, chứng từ, tài liệu có liên quan đối với từng chất theo danh mục tại Nghị định quy định các Danh mục chất ma tuý và tiền chất của Chính phủ.

Hồ sơ, chứng từ phải lưu giữ trong thời hạn theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành. Hết thời hạn lưu giữ sổ sách, chứng từ, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm lập Hội đồng để tiến hành huỷ sổ sách, chứng từ đó và phải lập biên bản.

Về chế độ báo cáo, tại Điều 33 của Nghị định này quy định như sau:

Một là. Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển  nông thôn, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của lĩnh vực quản lý trên phạm vi toàn quốc và thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng (số liệu tính từ ngày 15-12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14-6 của kỳ báo cáo)/1 năm (số liệu tính từ  ngày 15-12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14-12 của kỳ báo cáo) gửi Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Hai là. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trên phạm vi toàn quốc (số lượng thực tế, số vụ việc vi phạm, hình thức xử lý và các thông tin khác có liên quan) và thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng/1 năm gửi Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Ba là. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động hợp  pháp liên quan đến ma túy đều phải báo cáo khẩn tới cơ quan quản lý trực tiếp  trong trường hợp có sự nhầm lẫn, ngộ độc, bị thất thoát các chất này.

Bốn là. Khi chất ma tuý, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất  không thuộc quy định của Điều 21 Luật Phòng, chống ma tuý cần xử lý thì đơn vị quản lý phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp, ghi rõ lý do, phương pháp xử lý. Việc xử lý chỉ được thực hiện khi cơ quan cấp trên có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản. Thủ trưởng đơn vị phải thành lập hội đồng xử lý và lập biên bản xử lý, báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và gửi Bộ Công an để theo dõi, quản lý.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông