Chuyên mục Luật Phòng, chống ma túy năm 2021: Những điều cầu biết về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng

18:04 16/04/2023

Tại Điều 30, Chương V, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội Khóa XIV chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 11, ngày 30-3-2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, đã đưa ra những quy định cụ thể về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Theo đó, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người  nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân  dân cấp xã. 

Về thời hạn, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là từ đủ 6 tháng đến 12 tháng. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 29 của Luật này được hỗ trợ kinh phí. 

Đáng chú ý, tại các khoản 4, 5, 6, 7 Điều này đã quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Cụ thể, người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có 2 trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; 

b) Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có 3 trách nhiệm sau: 

a) Tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 

b) Hướng dẫn, quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 

c) Cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có 5 trách nhiệm sau: 

a) Giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

b) Tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 

c) Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 

d) Bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và có 3 trách nhiệm sau:

a) Tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 

b) Thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;

c) Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma túy sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. 

Tại khoản 8, 9 Điều này cũng quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích