Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ

16:48 27/12/2024

Điều 57, Chương V, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ”.

Theo đó, tại khoản 1 điều này của luật quy định thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng được thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu và tên, địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp tiến hành sửa chữa; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu, ký hiệu của từng loại công cụ hỗ trợ đề nghị sửa chữa; số lượng, bộ phận cần tiến hành sửa chữa; thời gian sửa chữa; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công an hoặc gửi qua đường bưu chính về cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định; trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ thì văn bản đề nghị bổ sung họ tên, số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người đến liên hệ;

c) Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Về sử dụng công cụ hỗ trợ, Điều 58 chương này của luật quy định:

Một là. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này và được sử dụng trong trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, khủng bố, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

c) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Phòng ngừa, ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

đ) Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.

Hai là. Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã tuân thủ quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

          Cùng với đó, tại Điều 59 chương này của luật đã quy định rõ “Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sửa chữa công cụ hỗ trợ” như sau: Phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sửa chữa công cụ hỗ trợ.Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ chỉ mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và sửa chữa công cụ hỗ trợ theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tố Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông