Chuyên mục Luật Thanh tra năm 2022 Quy định về xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra

13:18 26/03/2025

Chương IV, Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2022 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Hoạt động thanh tra”.

Cụ thể, tại Điều 44, Mục 1 chương này của Luật đã quy định về việc “Xây dựng, ban hành Định hướng chương trình thanh tra”. Theo đó, chậm nhất vào ngày 30/9 hằng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra của năm sau. Chậm nhất vào ngày 15/10 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm xem xét, phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra của năm sau.

Về việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, Điều 45 chương này của Luật quy định như sau:

Một là. Việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra phải căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên, yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Hai là. Kế hoạch thanh tra bao gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kế hoạch thanh tra của Bộ và kế hoạch thanh tra của tỉnh. Kế hoạch thanh tra của Bộ bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục; bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục. Kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện; bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện.

Ba là. Chậm nhất vào ngày 25/10 hằng năm, căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ, kế hoạch thanh tra của tỉnh. Chậm nhất vào ngày 30/10 hằng năm, căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ hướng dẫn Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra tỉnh hướng dẫn Thanh tra sở, Thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình.

Bốn là. Chậm nhất vào ngày 15/11 hằng năm, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của cơ quan mình.

Năm là. Chậm nhất vào ngày 10/11 hằng năm, Thanh tra Tổng cục, Cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra Bộ để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ; Thanh tra sở, Thanh tra huyện gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra tỉnh để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Sáu là. Chậm nhất vào ngày 30/11 hằng năm, Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ; Chánh Thanh tra tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh. Chậm nhất vào ngày 10/12 hằng năm, Bộ trưởng có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ. Chậm nhất vào ngày 20/12 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Bảy là. Kế hoạch thanh tra quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều này được gửi ngay đến đối tượng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cùng với đó, Điều 46 của Luật quy định về hình thức thanh tra như sau: Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành.Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

Tố Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông