16:03 27/12/2014
Hiện nay, tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, tình trạng nữ sinh mang bầu đến giảng đường không còn là chuyện lạ. Vừa học vừa mang bầu khiến chất lượng học tập của nhiều nữ sinh bị giảm sút. Không ít sinh viên phải bảo lưu kết quả học tập trong thời gian dài để làm tròn thiên chức của người mẹ… Dính bầu vì “sống thử” Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Thủy Nguyên, kinh tế gia đình vào diện trung bình nhưng Phạm Thị Hồng M., sinh 1993, luôn được cha mẹ quan tâm đến việc học tập. Có lực học khá nên sau khi tốt nghiệp THPT, M. thi đỗ vào một trường đại học ở nội thành Hải Phòng và dự định sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục theo học thạc sỹ, tìm công ăn việc làm ổn định để đỡ đần cha mẹ lúc tuổi già. Thế nhưng, bao nhiêu dự định đều tan biến từ khi cô biết mình có thai. Vốn có chút nhan sắc nên khi vừa bước vào ngưỡng cửa của trường đại học, M. được khá nhiều chàng trai trong trường để ý. Nhìn bạn bè có bạn trai tíu tít, chở đi đây đi đó, M. cũng khao khát được yêu. Rồi bước sang năm thứ 2 đại học, M. bắt đầu yêu T., sinh 1992, là người cùng quê và đang là sinh viên năm thứ 3, cùng trường đại học. Sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, cộng với lý do “muốn được gần nhau” nên M. và người yêu đã chuyển đến một phòng trọ để tiện việc đi học của hai đứa. Hậu quả tất yếu của chuyện sống thử là M. có thai ngoài ý muốn. “Nhìn que thử lên 2 vạch, em vô cùng choáng váng. Việc đầu tiên em nghĩ đến là mình đã mang tiếng xấu cho cha mẹ. Biết rằng có thai khi đang đi học sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng em yêu T. bằng một tình yêu chân thành nên không muốn bỏ đi giọt máu đang ngày một lớn dần lên trong cơ thể...” - M. tâm sự. Những tháng đầu mang thai, M. ốm nghén, chẳng ăn uống được gì nên cơ thể gầy yếu và thường xuyên phải nghỉ học. Sau nhiều đêm nằm căng óc suy nghĩ, M. và T. đã quyết định phải tổ chức đám cưới trước khi đứa con chào đời. Khi cái thai trong bụng M. đã được hơn 3 tháng, siêu âm là con trai, T. mới mạnh dạn đưa M. về giới thiệu với bố mẹ và bàn chuyện cưới. Hai bên gia đình biết chuyện, mọi người vừa giận, vừa thương và cũng lo lắng bởi hai đứa vẫn đang là sinh viên, sinh con sớm sẽ gặp muôn vàn khó khăn phía trước. Sau một thời gian chuẩn bị, đám cưới của M. và T. được tổ chức rình ràng tại quê nhà trước sự chứng kiến của họ hàng gần xa và đặc biệt là rất đông bạn bè sinh viên về dự. Sau khi làm đám cưới, vợ chồng sinh viên T. và M. phải nhanh chóng trở về xóm trọ để tiếp tục đến giảng đường. Hàng tháng, hai gia đình vẫn phải gửi tiền đều đặn cho vợ chồng M. để duy trì sinh hoạt và học tập. Giờ cái thai trong bụng M. đã bước sang tháng thứ 7. Ngày nào M. cũng ộ uệ vác bụng bầu đến giảng đường. Còn T. sau khi tan học, lại tất tưởi đạp xe đi chợ, rồi lao vào nấu nướng để vợ có thời gian nghỉ ngơi và ngày mai lại tiếp tục đến giảng đường. Cuộc sống sinh viên đã khó khăn, nay vợ lại chuẩn bị sinh nở, T. không dám đi chơi với bạn bè hay tụ tập đánh điện tử thâu đêm như trước nữa. Khi hỏi về dự định khi sinh em bé, M. chia sẻ: “Có lẽ đến hết tháng thứ 8 em phải xin nghỉ học, bụng nặng quá rồi chị ạ. Sau khi sinh con, em chỉ xin nghỉ vài tuần, rồi đưa con ra phòng trọ, nhờ bà ngoại ra trông giúp để em có thời gian tiếp tục đến giảng đường, theo kịp việc học tập và thi cử với bạn bè…”. Khi sinh viên nuôi con thơ Căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 10m2, nằm trên địa bàn quận Kiến An, đồ đạc bầy biện khá luộm thuộm là tổ ấm của hai vợ chồng trẻ và đứa con gái hơn 6 tháng tuổi. Gái một con Nguyễn Thị H., sinh 1994, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3. Còn Phạm Văn Đ., sinh 1992, là chồng H., cũng vừa mới tốt nghiệp đại học được vài tháng. Hai người bén duyên nhau khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Những năm tháng sống thử như vợ chồng, H. có thai và đã 2 lần Đ. đưa H. đến bệnh viện nhưng H. khóc tức tưởi rồi bỏ về. Cái thai đã lớn, bác sỹ tư vấn nếu phá thai sẽ rất dễ vô sinh thứ phát. H. quyết định giữ thai để sinh con. Khi Đ. đưa H. về gia đình thì không được gia đình chấp nhận vì không “môn đăng hộ đối”… Đón sản phẩm của tình yêu đầu đời trong bộn bề suy nghĩ, dằn vặt, cuối cùng H. và Đ. quyết định về quê đăng ký kết hôn, không tổ chức lễ cưới, rồi tự quyết định cuộc sống. Trở lại phòng trọ sinh viên, vợ chồng Đ. làm mấy mâm cơm đạm bạc để bạn bè sinh viên đến chung vui.
Về phía gia đình Đ., từ ngày biết chuyện, bố mẹ giận lắm nên đã cắt nguồn viện trợ, để mặc Đ. tự lo việc học và cuộc sống sinh viên của mình. Còn gia đình H. vì thương con, thương cháu nên mẹ H. hàng tháng vẫn đi giúp việc ở nội thành Hải Phòng, đều đặn gửi tiền cho con duy trì học tập. Đang là sinh viên lại có vợ, chuẩn bị đón đứa con đầu lòng nên Đ. gầy đi trông thấy. Ngày nào cũng vậy, sáng lên giảng đường, chiều về Đ. chạy xe ôm, rồi ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có những lúc hết tiền, Đ. phải cắm thẻ sinh viên để lấy tiền chi tiêu cho sinh hoạt của hai vợ chồng. Còn H., khi bụng to vượt mặt đã phải bảo lưu kết quả học tập vì đi lại khó khăn, phần vì ngại với bạn bè và thầy cô. Đ. chuẩn bị tốt nghiệp đại học cũng là lúc vợ trở dạ đẻ. Ôm vội vài bịch tã lót cũ xin được của người thân, Đ. đưa vợ đến bệnh viện, rồi nhờ mấy nữ sinh cùng khu trọ trông vợ trong bệnh viện, sau đó Đ. tất bật đến giảng đường cho kịp giờ thi. Rồi Đ. tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá và xin được việc làm, có thu nhập ổn định tại một công ty đóng tàu trên địa bàn thành phố. Con gái của Đ. Và H. đã được 6 tháng tuổi. Lương của Đ. cũng chỉ tạm đủ cho sinh hoạt của 3 thành viên trong gia đình. Còn H. vẫn đều đặn nhận tiền trợ cấp của gia đình cho việc học tập. Từ khi sinh con, H. rất vất vả vì con nhỏ hay quấy khóc. Vừa đi học, vừa chăm con, không có tiền thuê người giúp việc, hàng ngày H. nhờ các nữ sinh ở cùng khu trọ trông con những lúc H. lên giảng đường. H. tâm sự: “Lúc em lên lớp có các bạn trong khu trọ trông con giúp và cho ăn bột, rồi uống sữa, giặt quần áo. Khi em về con mới được bú. Mẹ là người luôn thương em, dù mẹ không ở bên em nhưng vẫn gửi tiền để em đi học và chăm bé. Nhờ tình thương yêu của mọi người mà mẹ con em vẫn khỏe, bé trộm vía, rất bụ bẫm…”. Đến này, vì đứa cháu nội kháu khỉnh, bố mẹ Đ. đã suy nghĩ lại rồi đón cả gia đình Đ. về nhà xum họp, H. có điều kiện được tiếp tục đến giảng đường… Thay lời kết Nói về vấn đề “bà mẹ sinh viên” tại trường đại học, bà Nguyễn Thị Hiên, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng cho biết, sinh viên các trường đại học đều trên 18 tuổi nên chẳng có luật nào cấm đoán việc các em lấy chồng và sinh con. Việc đó không vi phạm quy chế rèn luyện của sinh viên trong các trường đại học. Tuy nhiên, trường hợp sinh viên kết hôn khi đang đi học rồi lại mang bầu, sinh con sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập… Xã hội cũng quen dần với hình ảnh sinh viên mang bầu đến trường. Tuy nhiên, những sinh viên này không tránh khỏi những cái nhìn soi mói, thiếu thiện cảm. Mang thai khi là sinh viên không phải là hiếm nhưng đa phần khi rơi vào trường hợp này, ít nữ sinh có được lối ứng xử vẹn toàn. Số đông sẽ chọn cách bỏ thai, số khác bỏ học nuôi con tạm bợ, số ít may mắn được gia đình chấp nhận cho làm đám cưới. Cũng có trường hợp nữ sinh sau khi có thai ngoài ý muốn, không dám đến bệnh viện sinh con, rồi khi sinh nở, đã bỏ rơi đứa con tội nghiệp, để rồi phải sống trong ân hận và dằn vặt suốt cuộc đời... Mang bầu đến trường hầu hết đều là hệ quả của việc thiếu hiểu biết về giới, sức khỏe sinh sản, của những tình yêu đầu đời non trẻ với lối học đòi sống thử. Nhiều trường hợp sinh viên mang bầu là trót dại, là lỡ lầm. Học đại học là quãng thời gian quan trọng để mỗi người chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống sau này. Vì vậy, kết hôn, sinh con khi đang ngồi trên ghế giảng đường là điều mỗi sinh viên phải suy nghĩ, nhìn thận thấu đáo để có những quyết định sáng suốt cho tương lai của chính mình…
Hồng Hải |