18:14 21/09/2023 UBND thành phố vừa có Quyết định số 2388/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án Trạm biến áp 500kV Hải Phòng. Như vậy, Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án truyền tải điện theo quy định của Luật đầu tư 2020 sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt.
Nhà đầu tư được UBND thành phố chấp thuận là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 617,2 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Quốc Tuấn, huyện An Lão. Diện tích đất dự kiến sử dụng xây dựng trạm biến áp khoảng 4,6ha; công suất thiết kế 1.800 MVA (gồm 2 máy biến áp 500/220/35 kV- 900 MVA). Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 9/2025, hoàn thiện việc thi công và đóng điện tháng 12/2026.
Ngày 15-5-2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết đinh số 500 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8). Đây là tin vui đối với cả nước, trong đó có thành phố Hải Phòng; các doanh nghiệp sau một thời gian dài chờ đợi. Từ Quy hoạch điện 8, việc phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải của Hải Phòng có được định hướng rõ ràng, cụ thể, là cơ sở để thành phố kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Hải Phòng.
Theo đó, về phát triển lưới điện, Quy hoạch điện 8 quy định khá rõ cho khu vực Hải Phòng. Cụ thể, trong danh mục các trạm biến áp 500kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2025, Hải Phòng có 1 trạm công suất 1800 MVA xây mới.
Về danh mục các đường dây 500 kV xây mới và cải tạo đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2030, sẽ có đường dây Hải Phòng- Thái Bình được xây mới, đấu nối với TBA 500kV Hải Phòng. Trong danh mục các trạm biến áp 220kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2030, Hải Phòng có các trạm Vật Cách; Nhiệt điện Hải Phòng được cải tạo đạt công suất 500 MVA; trạm Dương Kinh, An Lão, Cát Hải cùng có công suất 500 MVA được xây mới; trạm Đồ Sơn, Tiên Lãng , Đại Bản cùng có công suất 250 MVA được xây mới.
Về danh mục đường dây 220 kV được xây mới và cải tạo đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2030, Hải Phòng có đường dây xây mới An Lão- Rẽ Đồng Hòa- Thái Bình số mạch nhân với km là 4x2; đường dây Cát Hải- Đình Vũ 2x12 xây mới; Dương Kinh- Rẽ Đồng Hòa- Đình Vũ 4x3 xây mới, đấu nối với TBA 220kV Dương Kinh đồng thời chuyển đấu nối Hải Dương 2- Đồng Hòa và Đồng Hòa- Đình Vũ thành Hải Dương 2- Đình Vũ; đường dây Nam Hòa- Cát Hải 2x12 xây mới; Hải Phòng 500kV- Dương Kinh 2x8 xây mới; Hải Phòng 500kV- Tiên Lãng 2x14 xây mới, đấu nối TBA 220kV Tiên Lãng; Bắc Bộ 1- Đồ Sơn 2x10 xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực; Đồ Sơn- Dương Kinh 2x8 xây mới, đấu nối TBA 220kV Đồ Sơn; Đại Bản- Rẽ Hải Dương 2- Dương Kinh 4x2 xây mới, đấu nối TBA 220kV Đại Bản…
Như vậy, Hải Phòng đã xác định được rõ nhu cầu, định hướng phát triển nguồn điện; hệ thống truyền tải điện, đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp năng lượng trong giai đoạn phát triển mới, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu về điện cho phát triển KTXH, giữ vững QPAN.Việc nhanh chóng chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư dự án Trạm biến áp 500 Kv Hải Phòng cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt của Hải Phòng, thực hiện chủ trương điện đi trước để phát triển thành phố, góp phần hoàn thành mục tiêu CNH- HĐH./.
Hồng Thanh
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024