18:57 21/09/2023 Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng vừa tổ chức hội thảo, lấy ý kiến tham gia vào đề án phát triển Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Hội thảo có sự tham gia của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; các chuyên gia; nhà kinh tế; nhà khoa học… Điều đáng mừng là tất cả các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí rất cao về việc thành lập thêm một Khu Kinh tế tại Hải Phòng, tạo thêm dư địa phát triển rộng lớn, góp phần đắc lực để Hải Phòng phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, đề xuất thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam của Hải Phòng hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện. Đó là những căn cứ, nội dung nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quyết định số 323 ngày 30-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050. Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo khẩn trương xây dựng đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam. Ban Thường vụ Thành ủy; UBND thành phố giao Ban Quản lý Khu Kinh tế thực hiện nhiệm vụ này.
Khu Kinh tế ven biển phía Nam cũng có đầy đủ các điều kiện khác như có Sân bay quốc tế Tiên Lãng (đã được quy hoạch); có Cảng nam Đồ Sơn; có nhiều khu công nghiệp; có hệ thống đường cao tốc ven biển sắp hoàn thành; có quỹ đất rộng lớn; có sự kết nối thuận tiện với các khu kinh tế của Thái Bình; Quảng Ninh... Bởi vậy, các Bộ, ngành Trung ương có sự ủng hộ rất cao với đề xuất của Hải Phòng.
Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ cho rằng; Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng phải hội đủ sự khác biệt, hấp dẫn, từ đó mới thu hút được các luồng vốn đầu tư. Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải sau 15 năm hoạt động rất thành công là nhờ những ưu đãi về cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách thuế. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhất là thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì ưu đãi về thuế đã không còn phù hợp. Do đó, Khu Kinh tế ven biển phía Nam phải có một thế mạnh khác, một sức hấp dẫn riêng biệt.
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cho rằng: Hải Phòng nên mạnh dạn đề xuất thành lập Khu Kinh tế tự do hoặc Khu Thương mại tự do với vai trò dẫn dắt, mở đường; mở ra một mô hình phát triển kinh tế mới cho thành phố và đất nước, trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả vùng, cả đất nước. Từ đó mới có được các cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng nhất để thu hút các nguồn vốn đầu tư. Như thế cũng có nghĩa là Khu Kinh tế ven biển phía Nam phải là một mô hình mới, khác biệt, riêng có của Hải Phòng.
Trên thực tế, việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam mới đang là đề xuất của Hải Phòng trên cơ sở các điều kiện đã có. Để được Trung ương thông qua còn rất nhiều việc phải làm; phải có những đề xuất táo bạo, mang tính thuyết phục rất cao cả về tên gọi cũng như tính chất, chức năng của Khu Kinh tế mới. Và như vậy thì cần có sự chung tay hiến kế, đóng góp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân; các nhà khoa học; các chuyên gia kinh tế..., để đề án mang tính khả thi cao nhất, phấn đấu sớm thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024