15:00 24/04/2024 Ngày 23-4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng. Trước đó, phiên đấu thầu dự kiến diễn ra vào sáng ngày 22-4 không thành do không đủ số doanh nghiệp đăng ký dự thầu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải thông báo hủy phiên đấu thầu.
Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 23-4 cũng chỉ có 7 ngân hàng thương mại (VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank) và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng tham gia (SJC, DOJI, PNJ và Phú Quý). Tổng khối lượng vàng miếng SJC đưa ra đấu thầu ngày 23-4 là 16.800 lượng. Giá khởi điểm được đưa ra trong phiên đấu thầu vàng là 81,3 triệu đồng/ lượng, cao hơn so với giá thông báo trước đó khoảng 600.000 đồng/lượng. Theo tính toán, để hấp thụ hết lượng vàng đấu thầu 16.800 lượng, các đơn vị tham gia cần phải có lượng tiền lên tới khoảng 1.350 tỷ đồng.
Kết quả, trong số 11 thành viên tham gia đấu thầu, có 2 thành viên đã trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 3.400 lượng vàng. Giá trúng cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và giá trúng thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Như vậy, khối lượng vàng miếng trúng thầu chỉ chiếm khoảng 20% khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu. Mức giá trúng thầu bằng với mức giá khởi điểm. Có thể thấy, phiên đấu thầu chưa mang lại kết quả như mong đợi. Đáng chú ý là thiếu vắng lực mua từ các ngân hàng, kéo theo số lượng giao dịch không lớn như giai đoạn 2013.
Sau 11 năm, việc đấu thầu vàng miếng mới được tổ chức trở lại và rất nhiều người kỳ vọng qua đấu thầu sẽ tăng thêm nguồn cung cho thị trường, góp phần hạ nhiệt giá vàng và kéo giá vàng miếng trong nước tiệm cận gần hơn với giá thế giới, không để có khoảng cách quá xa như trong những năm gần đây. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả”.
Thực tế, đấu thầu vàng miếng là giải pháp chữa cháy trong thời gian ngắn hạn. Người tiêu dùng có khả năng sẽ mua được vàng với giá rẻ hơn, góp phần bình ổn thị trường. Đồng thời, đấu thầu cũng giúp tăng tính minh bạch, tránh tình trạng doanh nghiệp ép giá vì nguồn cung hạn chế.
Những lợi ích của việc đấu thầu vàng miếng trở lại cũng được nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, xét về đối tượng trúng thầu, tỷ lệ trúng thầu thì chưa đạt yêu cầu. Đây mới chỉ là phiên đấu thầu đầu tiên, sẽ tiếp tục còn có các phiên tiếp theo nhưng nếu vẫn còn tâm lý “ngại đấu thầu vàng” thì giải pháp này chưa thật sự tối ưu. Theo Ngân hàng Nhà nước, có 15 đơn vị có đủ điều kiện tham gia đấu thầu nhưng phiên ngày 23-4 chỉ có 11 đơn vị đăng ký và 2 đơn vị trúng thầu, chứng tỏ vẫn chưa thực sự hấp dẫn và cần có sự phân tích, nhận định kỹ lưỡng để tìm giải pháp.
Theo quy định, khối lượng tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), nếu cao hơn có thể lên tới 20 lô (2000 lượng). Như vậy, đấu thầu là mua khối lượng nhiều, cần nguồn vốn tiền đồng lớn để nắm giữ đến khi tiêu thụ xong nên không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực tài chính để thực hiện và ngay các ngân hàng tiềm lực tài chính mạnh cũng không dám mua nhiều. Hơn nữa, còn có sự lo ngại về sức tiêu thụ; lo ngại nếu giá thế giới giảm và thêm các rủi ro khác…
Dù sao, mới qua phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên cũng chưa thể phản ánh hết tình hình. Điều quan trọng là sẽ có thêm nguồn cung vàng miếng ra thị trường và góp phần giảm nhiệt về giá. Nhiều người kỳ vọng, mong muốn giảm thấp hơn nữa sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới. Tuy nhiên, đấu thầu chỉ là phương án ngắn hạn, còn về dài hạn, chắc chắn phải sửa đổi nghị định 24 ngày 3-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với những quy định mới phù hợp mới mong giữ được ổn định thị trường vàng, khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024