Chuyện thời cuộc: An toàn bền vững

22:06 06/06/2020

Như tin đã đưa, vào cuối tháng 5 vừa qua tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ việc đáng tiếc, khi một cây phượng trong sân trường bị đổ, dẫn đến 1 học sinh tử vong và hàng chục em khác bị thương.

(Hình ảnh minh họa)

Sau sự cố này, hàng loạt các địa phương trong cả nước bước vào tổng rà soát, nhằm đánh giá thực trạng các loại cây xanh trong khuôn viên trường học. Thậm chí, không ít nơi đã chặt bỏ hàng loạt, với lý do nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, khi mùa mưa bão bắt đầu?

Có quan điểm cho rằng, từ một sự cố ở trường tiểu học nêu trên, việc “báo tử” nhiều cây xanh ở trường học là động thái vội vàng. Không những thế, còn có câu hỏi đặt ra rằng, việc chặt bỏ cây liệu có hoàn toàn vì sự an toàn, hay trong đó có cả sự ngộ nhận, thậm chí phòng ngừa để lé tránh trách nhiệm khi có sự cố?

Vấn đề đặt ra là, cây xanh thì vẫn là cây xanh, mưa bão cũng vẫn là mưa bão, cả hai thực thể này đã tồn tại từ lâu và trường tồn cùng thời gian.

Hơn nữa, cây xanh hoàn toàn không có lỗi, thậm chí nó còn luôn mang đến những điều tốt đẹp khi buông tỏa bóng mát, cân bằng sinh thái, làm đẹp cảnh quan… tóm lại là tính ưu việt của cây xanh đã được khẳng định. Chính bởi vậy, từ lâu việc phát động trồng cây, bảo vệ nguồn cây không chỉ phổ biến ở Việt Nam.

Tính về thời gian, về giá trị kinh tế hay nhiều góc độ khác, để có một cây xanh trưởng thành không phải là điều dễ dàng, vậy nên việc chặt bỏ là điều phải hết sức cân nhắc.

Nhìn từ góc độ khác, mọi sự cố đều là đáng tiếc, và từng ngày từng giờ, các loại sự cố vẫn xảy ra trên khắp thế giới, đem đến những hậu quả nghiêm trọng, nên không chỉ vì thế mà chúng ta chỉ tập trung quy trách nhiệm, đổ lỗi hay né tránh. Điều quan trọng là kiến thức quản lý rủi ro, dự báo mức độ tiềm ẩn nguy cơ để có giải pháp phòng ngừa, chứ không phải “mất bò mới lo làm chuồng”.

Trở lại với vụ việc cây đổ nêu trên, nếu thực sự quan tâm, người bình thường hoàn toàn có thể nhận biết được tính chất hiểm nguy, khi gốc cây bị mục ruỗng, khi tán lá quá nặng gây mất cân đối với sức chịu đựng của gốc cây, khi nền đất quá xốp rỗng, khi mưa to gió lớn…

Tất cả đều nhìn được bằng mắt thường, và nguyên tắc vật lý cũng chính là những kiến thức mà chúng ta được học ở các trường học từ khi còn rất nhỏ. Vì vậy, có ý kiến cho rằng chỉ có người “trong nghề” quản lý cây xanh mới biết là bao biện, thật khó chấp nhận.

Bởi lẽ, không riêng gì trường học mà trong nhiều môi trường khác, rủi ro đâu chỉ đến từ cây xanh, mà rất có thể từ nhiều nguồn nguy cơ khác.

Nên thiết nghĩ, đây không phải câu chuyện của riêng ai, mà cần nhiều hơn những người đứng đầu có tư duy tổng hợp, có tinh thần trách nhiệm cao, biết lo xa để quản lý sự an toàn bền vững.

                                                                                Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông