15:34 02/10/2019 Theo thông tin báo chí từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, ngày 23-9 vừa qua, các cơ quan báo chí của Hàn Quốc đã đưa thông tin về việc 9 người trong số các thành viên đi cùng phái đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam vào tháng 12-2018 đã bỏ trốn ở lại trái pháp luật ở Hàn Quốc.
(Hình ảnh minh họa)
Về vụ việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam cho biết, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với các bên liên quan để tiếp tục xác minh, xử lý.
Tuy nhiên, theo những thông tin ban đầu thì đây là vụ việc liên quan đến những người tham gia Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam dự Diễn đàn đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, do Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức, không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam.
Cũng theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, thị thực nhập cảnh cấp cho những người này là để đi dự Diễn đàn đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc chứ không phải thị thực ngoại giao.
Để thuận tiện cho việc tham dự Diễn đàn, đoàn doanh nghiệp này đã đi cùng chuyên cơ của đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Trước khi đoàn này về nước, các cơ quan hữu quan đã phát hiện có 9 người bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật.
Văn phòng Quốc hội đã có văn bản trao đổi với các cơ quan chức năng để phối hợp Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc bằng các biện pháp đưa những người này trở về Việt Nam. Đến nay đã đưa 2 người về nước.
Có thể nói, đây là một sự cố đáng tiếc, có lẽ chưa xảy ra trong tiền lệ. Nhưng điều đáng nói là hành vi của những doanh nhân trốn ở lại Hàn Quốc nêu trên thực sự rất đáng lên án, không chỉ làm tổn hại đến quan hệ hai nước, làm mất thể diện quốc gia mà còn phản ánh bản chất thực sự về hiệu quả đóng góp của những doanh nhân này đối với đất nước.
Nhất là khi những doanh nhân này được xem như những đại biểu của Việt Nam, tham gia một sự kiện thương mại quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam đang đạt được những thành tựu tích cực trên diễn đàn quốc tế cũng như về kinh tế hội nhập.
Cần phải thấy rằng, chuyện những doanh nhân được bố trí sắp xếp đi cùng đoàn công tác của Quốc hội thể hiện tính dân chủ và cầu thị rất cao, xóa bỏ khoảng cách giữa tầng lớp chính trị và doanh nhân, góp phần đáng kể vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc lựa chọn, sàng lọc danh sách doanh nhân thực sự là bài học cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Hy vọng rằng vụ việc nhanh chóng được làm rõ, xử lý nghiêm khắc, để trả lại hình ảnh lành mạnh cho Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, cũng như của chính những người Việt Nam chân chính.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024