Chuyện thời cuộc: “Cà phê đường tàu”

10:23 13/10/2019

Những ngày gần đây, dư luận dành nhiều sự quan tâm đến chủ đề “cà phê đường tàu”, môt hoạt động phát sinh tại một số khu vực có đường sắt đi qua ở Thủ đô Hà Nội.

(HÌnh ảnh minh họa)

          Nhìn qua các hình ảnh, rõ ràng đây là hành vi vi phạm hành lang bảo vệ giao thông đường sắt, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho tính mạng con người bao gồm cả du khách nước ngoài. Chính vì vậy, chính quyền thành phố Hà Nội đã chỉ đạo chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng này.

          Tiếc rằng, trên các trang thông tin xã hội, thậm chí có cả những bài viết trên báo chí chính thống, nêu quan điểm cho rằng không nên dẹp bỏ mô hình này, rằng đây là sự “sáng tạo” mới lạ, góp phần thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế?

Có bài viết còn dẫn lời “khuyên” của khách nước ngoài, nói rằng Hà Nội nên giữ gìn mô hình “cà phê đường tàu” như một nét văn hóa mới?

          Thực chất thì sao? Không biết mức độ đóng góp của các cơ sở kinh doanh ở đây đem lại nguồn thu lớn thế nào cho ngân sách.

Nhưng hoạt động “cà phê đường tàu” là tự phát, như đã nói ở trên, không những vi phạm an toàn giao thông, trật tự xã hội, mà cũng chưa có cơ sở để được coi là động lực thúc đẩy kinh tế, tạo ra mỹ quan đô thị.

Việc có ý kiến nào đó của du khách nước ngoài muốn “gìn giữ” hay “phát triển” chẳng qua là suy nghĩ cá nhân, hoặc cảm nhận mang tính hiếu kỳ trước hiện tượng lạ, tạo ra sự thú vị nhất thời mà thôi.

          Theo đại diện của Tổng cục Du lịch, những điểm du lịch mới có những yếu tố hấp dẫn, các doanh nghiệp khai thác, có đầu tư sáng tạo, tạo nhiều sản phẩm mới đều được khuyến khích nhưng về nguyên tắc phải có quy hoạch phát triển.

Nhu cầu du lịch của du khách là tự nhiên song việc tổ chức hoạt động du lịch phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các điểm du lịch hoạt động cần phải được cấp phép. 

Trên thực tế thì mô hình “cà phê vỉa hè” chỉ đem lại lợi ích cục bộ cho một bộ phận nhỏ trong cộng đồng, nhưng tiềm ẩn hệ lụy khó lường, nếu không ngăn chặn sẽ tạo ra tiền lệ tiêu cực.

Mặc dù trong đó có yếu tố tích cực nhưng chúng ta không thể thu hút du lịch bằng mọi giá như vậy.

Đã vi phạm kỷ cương xã hội, vi phạm pháp luật đương nhiên không thể ủng hộ, đó là phương pháp ứng xử của xã hội văn minh mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng tới.

Đáng mừng là trước những thông tin trái chiều, thành phố Hà Nội vẫn kiên quyết dẹp bỏ, đại diện Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng lên tiếng ủng hộ chủ trương của Hà Nội.

                                                                                Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông