Chuyện thời cuộc: Cam kết hội nhập

09:35 12/06/2020

Ngày 8-6 vừa qua, Quốc hội chính thức phê chuẩn Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Người lao động làm việc tại KCN Nomura Hải Phòng

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 và các Công ước cơ bản còn lại của ILO là rất cần thiết và có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực.

Trước hết về chính trị, việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO.

Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước sẽ góp phần ngăn chặn các nguy cơ cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hòa.

Thông qua đó tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn trong điều kiện toàn cầu hóa.

Về pháp lý, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam, khẳng định những cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực lao động.

Cụ thể, thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện, bao gồm: bãi bỏ Pháp lệnh Lao động công ích; ban hành Hiến pháp 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Bộ luật Lao động năm 2019…

Mặt khác, việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ đó hỗ trợ thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam.

Được biết, cũng trong ngày 8-6, Quốc hội đã phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Như vậy, việc gia nhập Công ước 105 cũng là tiền đề hết sức quan trọng, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

                                                                                                    Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông