Chuyện thời cuộc: Cần chủ động trước biến động ngoại tệ

17:50 25/07/2022

Thời gian qua, cùng với xăng dầu, thị trường Việt Nam và thế giới cũng chứng kiến sức tăng mạnh mẽ của đô-la Mỹ. Đặc biệt trong ngày 18/7, đô-la Mỹ đã lên mức đỉnh cao nhất trong vòng 20 năm qua so với một số ngoại tệ mạnh khác. Còn ở trong nước, tỷ giá hối đoái giữa đô-la Mỹ với đồng Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước niêm yết là 23.225 VND/USD, trong khi ngoài thị trường tự do đo-la Mỹ đang ự ở mức rất cao là 24.520 VND/USD.
(Ảnh minh họa)

Nhìn lại từ đầu năm 2022, thị trường thế giới lâm vào tình cảnh biến động với diễn biến hết sức tiêu cực, lạm phát tăng cao do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19. Tiếp đến, xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đã trở thành nguyên nhân phát sinh cuộc chiến thương mại với tầm ảnh hưởng toàn cầu, khi các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ áp dụng các đòn trừng phạt, bao vây và cấm vận kinh tế đối với Nga. Cũng từ đó, làn sóng lạm phát tiếp tục tăng tốc, giá xăng dầu leo thang, và giờ đây kinh tế thế giới lại “thấm đòn” khi đô-la Mỹ liên tục lập đỉnh mới.

Cùng với đó, những biến động xuất hiện trên thị trường ngoại tệ nói chung và đô-la Mỹ nói riêng đang mang lại tác động đa chiều, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều hệ lụy.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra cho đợt biến động lần này, nhưng nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất có lẽ chính là cảnh báo về một cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn còn lại, bắt nguồn từ sự đối đầu thương mại với Nga nêu trên.

Vấn đề đặt ra, hiện những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đều bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu thương mại. Trong đó, việc USD tăng giá đã ảnh hưởng rất tiêu cực, vì hầu hết việc thanh toán hiện chủ yếu vẫn dùng USD, nên khi VND mất giá với USD thì đương nhiên giá trị hàng hóa nhà xuất khẩu sẽ bị sụt giảm...     

Vì giữ vai trò là đầu mối giao thương quốc tế của khu vực phía Bắc, dù nhiều hay ít thì Hải Phòng cũng phải chịu tác động trực tiếp. Đây sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn khó dự báo đối với thị trường, mặc dù tại thời điểm này, biến động thị trường tiền tệ còn “nóng hổi” nên có lẽ chưa kịp tạo ra sự khác biệt. Nhưng bất cập ở chỗ, hàng xuất khẩu chủ yếu của Hải Phòng chiếm tỷ lệ gia công rất lớn, giá trị gia tăng thấp, nếu không tính toán kỹ rất có thể dẫn tới “lợi bất cập hại”.

Đó là nét mới mang tính tiêu biểu của quá trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải quan tâm, để có phản ứng chủ động với biến động tiền tệ, nhất là khi thị trường đang trôi về cuối năm, thời điểm mà mật độ giao dịch hàng hóa cũng như thanh khoản quốc tế sẽ sôi động hơn.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông