Chuyện thời cuộc: Cảnh báo niềm tin

18:09 21/08/2018

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, mà cả thủ phạm và nạn nhân đều có những mối quan hệ nhất định, nghĩa là những vụ việc không phải sự thanh toán côn đồ của mảng tội phạm truyền thống mà người ta quen gọi là xã hội đen. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những khoảng tối trong hành vi ứng xử của một bộ phận xã hội.

Đối tượng Đàm Văn Hiếu (Hải Phòng)

Còn nhớ cách đây 3 năm, vụ thảm án ở Bình Phước do đối tượng Nguyễn Hải Dương gây ra khiến 6 người trong một gia đình bị giết, đã làm chấn động dư luận cả nước. Còn hồi đầu năm nay, đúng vào mồng Một tết Nguyên đán, cả TP Hồ Chí Minh rúng động khi hay tin 5 người trong một nhà bị giết hại, mà thủ phạm chính là kẻ làm thuê chưa đầy 18 tuổi mang tên Nguyễn Hữu Tình. Và mới đây tại tỉnh Tiền Giang, vào ngày 13-8 đối tượng Nguyễn Đăng Khoa đã hạ tay sát hại 3 người gồm vợ, mẹ vợ và con riêng của vợ. Trước đó vào ngày 27-7, tại Hải Phòng đối tượng Đàm Văn Hiếu cũng gây thảm án, cùng một ngày đâm chết cả anh ruột là anh Đàm Văn Thắng và mẹ nuôi là bà Hoàng Thị Ngọc Bích.

Trong các vụ việc kể trên cũng như những vụ tương tự khác, dù có nhiều nguyên nhân mâu thuẫn khác nhau, nhưng điểm chung từ lời khai của các thủ phạm, đều manh nha từ phương pháp ứng xử trong các mối quan hệ. Cho dù lý giải thế nào, thì những hành vi của các thủ phạm đều cần bị lên án, bởi đó là cách hành xử tàn bạo, không thể chấp nhận. Nhưng nhìn từ góc độ tội phạm học, đi sâu vào từng vụ việc cũng cho thấy một góc khác, đó là sự tổn hại niềm tin, tích tụ thành lòng thù hận, rõ ràng không thể chỉ trong một thời gian ngắn, dù hành vi giết người chỉ diễn ra trong khoảnh khắc đỉnh điểm.

Cụ thể như ở vụ Nguyễn Hải Dương (Bình Phước), mâu thuẫn đầu tiên chỉ là chuyện tình ái? Ở vụ Nguyễn Hữu Tình (TP Hồ Chí Minh), nguyên nhân bắt nguồn đơn giản chỉ vì kẻ làm thuê bị bà chủ… “chửi nhiều”? Vụ Nguyễn Đăng Khoa (Tiền Giang), cũng là do ghen tuông? Còn vụ Đàm Văn Hiếu (Hải Phòng) lại do nhiều tiểu tiết “lãng xèng” trong sinh hoạt thường nhật? Điều này cho thấy một mảng vấn đề mới, đó là sự điều chỉnh các hành vi trong quan hệ góc hẹp, mà lẽ ra một hoặc một số nạn nhân cần phải nhận thức được từ trước, để ngăn chặn những mối họa mà khi xảy ra không còn cơ hội cứu chữa.

Vẫn biết trong một xã hội văn minh được phản ánh bằng thượng tôn pháp luật, những hành vi dã man nêu trên vẫn xảy ra là một điều đáng tiếc. Nhưng phía sau đó, các vụ việc cũng đáng để không ít người phải lưu tâm, soi xét lại chính mình, nhất là trong thời buổi đạo đức, lối sống đang giao thoa mạnh mẽ vì tác động của công nghệ thông tin như ngày nay.

                                                                             Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông