15:36 22/02/2023
Trong nhiều hội nghị quan trọng cũng như hoạt động ngoại giao gần đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh đến các nội dung chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Cho thấy, đây là những mục tiêu mang tính chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới, phù hợp với xu hướng tất yếu của thời đại. Trong đó một trong những vấn đề được quan tâm nhất có lẽ chính là xây dựng Chính quyền số.
Theo khái niệm chung, Chính quyền số là hoạt động của Chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. Nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, những năm gần đây, khái niệm “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử” và “Chính quyền số” được nhắc nhiều trên các diễn đàn cũng như các văn bản liên quan đến chiến lược phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để các cơ quan của Chính quyền từ trung ương và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.
Lợi ích của mô hình này là đáp ứng mọi nhu cầu của công dân bằng việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Chính quyền từ Trung ương tới cơ sở như quản lý nhân sự, quy trình tác nghiệp. Đối với người dân và doanh nghiệp, việc đơn giản hóa các thủ tục và tăng tính hiệu quả của quá trình xử lý công việc; đối với Chính phủ, hỗ trợ quan hệ giữa các cơ quan của Chính quyền nhằm đảm bảo đưa ra các quyết định một cách chính xác và kịp thời.
Tựu chung, mục đích của Chính quyền số là thay đổi phương thức giải quyết công việc theo hướng hiện đại, thoát ly khỏi phương thức thủ công truyền thống, xóa bỏ sự hạn chế về mặt không gian và thời gian. Hơn nữa mô hình còn giúp cắt giảm chi tiêu ngân sách cho việc mua sắm công và chi thường xuyên phục vụ hoạt động của công chức, viên chức nhà nước, công khai thủ tục hành chính, rõ ràng về trách nhiệm của các bên tham gia vào quan hệ quản lý nhà nước.
Thời gian qua, cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng, mô hình Chính quyền số đã được ứng dụng khá rõ nét, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống hành chính. Để xây dựng, phát triển Chính quyền số, Hải Phòng đã đầu tư hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch. Đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, giảm chi phí.
Điều đó có ý nghĩa như một thông điệp hữu hiệu thể hiện quyết tâm của Hải Phòng cùng với cả nước hướng đến nền hành chính điện tử, xây dựng thành công Chính quyền số. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình vận hành ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp cơ sở chưa thực sự hiệu quả, việc sử dụng, xử lý và phát hành các văn bản hành chính vẫn nặng nhiều về phương thức truyền thống. Thậm chí, nhiều văn bản được in ấn, phát hành từ nguồn… hành chính điện tử, cho thấy tính hình thức vẫn hiển hiện chưa có tính cách mạng.
Thiết nghĩ, để hướng tới một Chính quyền số theo đúng nghĩa, cần một sự thống nhất cao trong nhận thức của toàn hệ thống, loại bỏ tư duy trì trệ ngay trong bộ máy công vụ, mới hy vọng đạt được hiệu quả cao.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão