Chuyện thời cuộc: Chuyện của nhà người ta

21:34 25/02/2022

Những ngày gần đây, bên cạnh những thông tin được cập nhật đã trở thành thông lệ đối với diễn biến của dịch bệnh Covid-19, một vấn đề cũng thu hút không ít sự quan tâm của một bộ phận dư luận là tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Có thể nói, đây cũng là vấn đề thời sự quốc tế được cho là nổi bật nhất, tốn nhiều dung lượng trong hệ thống thông tin kể cả chính thống và ngoài luồng, tính từ đầu năm 2022.

(Ảnh minh họa)

          Khách quan mà nói, đối với người dân Việt Nam, dành sự quan tâm cho vấn đề nêu trên cũng là điều hết sức dễ hiểu, bởi cả hai quốc gia Nga và Ukraine đều có quan hệ gắn bó truyền thống và mật thiết với Việt Nam, từ khi còn cùng nằm trong Liên bang Xô viết.

Cũng tại hai quốc gia trên, hiện cộng đồng người Việt còn công tác, sinh sống khá đông, đồng thời lịch sử cũng để lại những mối quan hệ hữu cơ cần sự tiếp nối giữa nước ta với cả hai quốc gia. Chưa kể, căng thẳng leo thang cũng luôn là đề tài khiến người ta hiếu kỳ, nhất là khi cả hai quốc gia trên đều là nước lớn, sở hữu nền tảng kinh tế, quân sự mạnh, có sức ảnh hưởng quốc tế lớn.

          Tuy nhiên, theo dõi các luồng thông tin cho thấy, một phần không nhỏ các nội dung được khai thác dẫn lại có xu hướng một chiều, nhằm khoáy sâu vào diễn biến, cổ súy cho sự căng thẳng, chứ rất ít những phân tích dựa trên dữ liệu cụ thể liên quan đến thực tiễn hai nước trong cuộc.

Đặc biệt trên các trang mạng xã hội, nhiều quan điểm so sánh tình hình nước của người ta để áp vào tình hình Việt Nam, đưa ra những suy diễn thiếu căn cứ, tạo luồng dư luận không tích cực. 

          Cần phải thấy rằng, từ khi phát động công cuộc đổi mới, mở cửa, Đảng ta đã chủ trương “Việt Nam trở thành bạn bè của tất cả các quốc gia trên thế giới”, đây là cốt lõi trong những thành tựu để chúng ta có thể ổn định phát triển trong hơn 35 năm qua, tận dụng mọi cơ hội để có cơ đồ như hiện nay.

Việc khép lại quá khứ, mở ra tương lai là một chiến lược ngoại giao khôn khéo, hiệu quả và nhân văn, góp phần to lớn vào sự ổn định của đất nước nói riêng và cả thế giới nói chung. Dù chúng ta ngày càng tham gia vào nhiều hoạt động quốc tế, nhưng là hoạt động nhân đạo, hướng tới hòa bình thịnh vượng chứ không phải làm gia tăng căng thẳng hay can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

          Xét cho cùng, mỗi quốc gia có hoàn cảnh riêng, mỗi khu vực có đặc thù riêng, tình hình căng thẳng nào cũng có những lý do riêng và chỉ thực thể trong cuộc mới hiểu rõ. Cũng như đối với Việt Nam, mọi vấn đề đều có hoàn cảnh lịch sử và chúng ta có cách lý giải, có quan điểm và phương thức ứng xử phù hợp. Chúng ta không muốn và không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài, dù bất cứ lý do gì, điều mà chúng ta cũng đã rút ra từ bài học lịch sử.

          Trở lại với sự quan tâm của dư luận đối với vấn đề Nga – Ukraine, nhu cầu thông tin là lẽ tất nhiên của cộng đồng, nhưng thông tin đó cần sự trung thực, trung lập và khách quan, đảm bảo sự ổn định của xã hội.

Vì vậy, có lẽ đã đến lúc cơ quan chức năng cần kịp thời vào cuộc định hướng, kiểm chứng, chắt lọc thông tin đưa đến người dân, tránh để những kẻ luôn thích “nhét tư tưởng vào đầu người khác” lợi dụng chuyện nhà người ta mà khuấy đảo việc nhà mình.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông