Chuyện thời cuộc: Công lý và phản biện xã hội

08:44 29/06/2020

Sau thời gian thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, cuối cùng thì ngày 17-6 vừa qua, phiên tòa phúc thẩm vụ án “sát hại thiếu nữ giao gà” ở Điện Biên cũng có hồi kết. Tuyên án của Tòa phúc thẩm cơ bản không thay đổi, so với những gì đã diễn ra ở phiên sơ thẩm trước đó.

(Hình ảnh minh họa)

Điều đáng nói là, trong thời gian chuẩn bị cũng như giai đoạn đầu của phiên phúc thẩm, không kể trên không gian mạng, mà ngay một số cơ quan thông tin được coi là chính thống, có những bài viết mà bạn đọc có cảm giác như người viết đang có ý “gỡ tội” cho các bị can, bị cáo.

Thể hiện ở chỗ, khi các chứng cứ quan trọng là cơ sở buộc tội trước tòa ít được khai thác, thì những tình tiết mơ hồ, giả định lại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tạo suy diễn trong dư luận xã hội.

Rất có thể, hàm ý của những người góp phần tạo ra luồng dư luận này chỉ giản đơn là phản biện, là giám sát, nhằm làm minh bạch hơn hệ thống tư pháp, chứ chưa hẳn mang mục đích xấu. Bên cạnh đó, một số cơ quan thông tin cũng muốn “mượn hơi” những vụ việc tương tự để “câu khách”, một số cá nhân thể hiện rõ động cơ đánh bóng tên tuổi…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích, phản bác, phản biện, nhằm vào quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng lại rất thiếu cơ sở pháp lý, mang nặng cảm tính.

Như đã đề cập, điểm nóng của cái gọi là phản bác, phản biện thời gian gần đây lại không đề cao lợi ích cộng đồng, không nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, phục vụ công cuộc phát triển của đất nước.

Thay vào đó, lại là những vụ án hình sự, mà bản chất những hành vi phạm tội rất phi đạo lý, phi nhân tính, như vụ giết người ở tỉnh Long An năm 2008; vụ hiếp dâm tập thể, giết người ở tỉnh Điện Biên; vụ giết người thi hành công vụ ở Đồng Tâm (Hà Nội)…

Vô hình dung, luồng định hướng kiểu này đang đi theo chiều bảo vệ cho những hành động tội ác?

          Cần phải thấy rằng, phản biện, phản bác là điều hết sức quan trọng, được sử dụng như một kênh kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng một hệ thống chính sách hoàn hảo. Nguyên tắc và phương pháp phản biện được Nhà nước ta rất quan tâm, được thể chế hóa trong nhiều văn bản, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý, giữ gìn đạo lý.

Nhìn ra thế giới, nhất là thời gian gần đây, thấy rõ không riêng gì Việt Nam mà ngay ở những quốc gia lớn như Mỹ, Pháp… những mâu thuẫn xã hội xảy ra hết sức gay gắt.

Đó là điều tất yếu của quá trình phát triển, đồng thời cũng là quy luật biện chứng mang tính lịch sử, trong bối cảnh đó, phản biện hay phản bác mang tính xây dựng sẽ giữ vai trò định hình mâu thuẫn trong quỹ đạo tích cực, thay cho sự đối đầu cực đoan.

Hy vọng rằng, điều này sẽ được phổ biến hơn, để phản biện, phản bác thực sự là công cụ đảm bảo công lý, vì dân, vì nước, chứ không bị lợi dụng làm phương tiện chỉ để vì một vài cá nhân hay nhóm lợi ích nào đó.

                                                                                          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông