Chuyện thời cuộc: Giá vàng

09:20 15/08/2020

Trong 6 tháng qua, tính từ tháng 2-2020, giá vàng cả hai khu vực thị trường trong nước và thế giới có sự gia tăng chưa từng có, liên tục lập kỷ lục mới. Cần phải nhắc lại, trong quá khứ kỷ lục của giá vàng được lập năm 2011 với xấp xỉ 50 triệu đồng/lượng. Sau đó lao dốc mạnh mẽ đến đầu năm 2020 chỉ xoay quanh ngưỡng dưới 40 triệu đồng/lượng.

(Hình ảnh minh họa)

Nhưng năm 2020 này giá vàng diễn biến hoàn toàn khác, chuỗi leo thang kéo dài và lập đỉnh cao nhất mọi thời đại vào đầu tháng 8 với mức 62 triệu đồng/lượng. Nghĩa là, mặt hàng đặc biệt vốn dĩ được coi là kênh dự trữ an toàn lâu nay đã tăng phi mã tới gần 70% chỉ trong vòng nửa năm, chiếm luôn cả kỷ lục lạm phát của mọi thứ hàng hóa khác.

Điều đáng lưu ý nữa là, bên cạnh việc tăng tốc về giá bình quân, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thể giới đã tái diễn với mức khá cao, đồng thời khoảng cách giữa mua vào và bán ra cũng rất rộng.

Trước mắt, mặt hàng này đã có những tác động không mấy tích cực tới thị trường trong nước. Đơn cử trong những ngày gần đây, ngay tại thị trường Hải Phòng đã có khá nhiều người đổ xô đi bán vàng, chuyển sang tiền mặt để gửi tiết kiệm. Có ý kiến cho rằng, động thái này nếu vượt ngưỡng cân bằng cung cầu trong hoạt động ngân hàng, rất dễ tạo ra hiệu ứng tiêu cực.

Bởi lẽ, nếu mức huy động vốn của ngân hàng tăng cao, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 các nguồn đầu tư sang sản xuất, kinh doanh giảm sút, rất dễ xảy ra cảnh tồn ứ nguồn vốn, mà sự điều chuyển liên thông trong nội bộ hệ thống sẽ khó chịu được tải. Chưa kể dòng giá trị chuyển từ vàng sang tiền sẽ ảnh hưởng tới các môi trường đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản.

Việc giá vàng phi mã nguyên nhân chính được cho là do đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, cộng hưởng với những điểm nóng xung đột chưa có dấu hiệu cải thiện. Điều này dẫn đến thất nghiệp gia tăng, trong khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ buộc phải tung ra những gói tài chính lớn, nhằm cứu vãn nền kinh tế.

Nghĩa là cung tăng, cầu giảm, giá trị sản xuất giảm, trong khi tài chính “bội thực”, nhiều luồng hàng hóa chưa thể vận hành trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, nếu giá vàng bất ổn kéo dài, sẽ khiến một một lượng không nhỏ nguồn vốn trong xã hội bị đóng băng.

          Hiện việc giá vàng tăng cao chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường hàng hóa nói chung, nhưng về lâu dài khó có thể đoán trước được điều gì. Mặc dù mấy ngày qua giá vàng thế giới đã giảm đáng kể, giá trong nước cũng mất ngay tới 7 triệu đồng/lượng chỉ trong chưa đầy một tuần, sau đó lại có dấu hiệu “nhấp nhổm”.

Cho thấy, giá vàng đang tiềm ẩn nỗi lo không nhỏ, nhất là đối với nền kinh tế vĩ mô.

                                                                                                    Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông