Chuyện thời cuộc: Không thể chỉ biết than

21:23 29/08/2019

Những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, tính cả đường xuất khẩu chính ngạch và hoạt động biên mậu. Đặc biệt, với rau quả có thể khẳng định Trung Quốc là thị trường trọng yếu.

(Hình ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bước sang năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đã giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê, trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu rau quả sang thị trường này  chỉ đạt 144 triệu USD, giảm tới 44,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân được cho là phía Trung Quốc đang tăng cường siết chặt hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Hệ quả của tình trạng trên là tại thời điểm này, cửa biên lại nghẽn ứ các xe hàng rau quả, và cũng như mọi năm, một kịch bản hiện hữu là giá giảm thê thảm, nông dân ôm lỗ nặng.

Thông thường, mỗi khi gặp phải điều này, những kênh thông tin trái chiều lại được phen “phát sóng”, rằng đó là chiến sách “phá hoại” từ nước láng giềng? Nhưng hãy nhìn nhận một cách công bằng, thuần thúy từ góc độ thương mại và kinh tế thị trường, thì suy cho cùng điều này chẳng có gì lạ, dường như “đến hẹn lại lên” và năm nào cũng có tình cảnh tương tự.

Người xưa có câu, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, khách quan mà nói việc Trung Quốc ban hành quy định siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, khắt khe trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm là hết sức bình thường. Đơn giản, việc này Việt Nam đã làm từ lâu, cũng khắt khe không kém.

Điều không thể phủ nhận là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với tư cách là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do. Rõ ràng trong sân chơi lớn, bản thân chúng ta phải có sự thay đổi, chủ động tham gia chứ không thể theo xu hướng cũ như người thợ săn “gặp con gì bắn con ấy”.

Mặt khác, Việt Nam chưa phải quốc gia nắm quyền điều phối thị trường rau củ quả của thế giới, càng không phải giữ vị thế độc tôn, nên việc tuân thủ luật chơi là điều không thể không làm.

Vẫn biết thời gian gần đây, ở nhiều vùng sản xuất trong nước đã quan tâm đến việc quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm… nhưng dường như phạm vi chưa đủ để giành thế chủ động.

Tiếc rằng, mỗi khi gặp phải tình cảnh trên, một phần không nhỏ trong dung lượng dư luận xã hội chỉ biết than vãn và đổ lỗi, khiến bản chất kinh tế của vụ việc bị suy diễn sang hướng khác, chứ rất ít có sự thay đổi để thích ứng.

Thiết nghĩ, để hướng tới một nền kinh tế tự chủ, chúng ta cần phải loại bỏ tư duy “ngồi chờ sung rụng”, mà phải nhìn rõ thực trạng nội tại, thay cho việc động một tý là nghĩ người ta “hại mình”.

                                                                      Hoàng Minh                                                                              

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông