Chuyện thời cuộc: Lại chuyện thưởng tết

09:45 31/12/2022

Theo thông lệ, cứ mỗi dịp năm hết tết đến, câu chuyện về tiền lương, tiền thưởng lại trở thành một trong những tâm điểm của xã hội, mấy năm gần đây nhờ sự phát triển của xã hội mạng, sức lan tỏa càng mạnh mẽ. Đây cũng là điều hết sức dễ hiểu, bởi bên cạnh vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” cho sinh hoạt hàng ngày, ai cũng mong muốn có một cái tết truyền thống thực sự no ấm với tâm lý tạo sự hành thông cho một năm mới.
Ảnh minh họa

          Năm nay cũng không ngoại lệ, “đến hẹn lại lên”, đề tài “thưởng tết” đang dược được các cơ quan thông tin đại chúng tập trung khai thác. Trên công cụ tìm kiếm của Google, chỉ gõ một từ khóa “thưởng tết 2023” đã có ngay 22,7 triệu kết quả liên quan. Trong đó có tin cho hay, có doanh nghiệp ở TP Đà Nẵng thưởng tết cho người lao động tới tiền tỷ, trong khi có những doanh nghiệp ở một số tỉnh lẻ chỉ thưởng vài chục nghìn đồng mỗi người?

          Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, cách đưa tin của nhiều cơ quan truyền thông đã tạo ra sự so sánh, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp có mức thưởng thấp, mà vô tình tác động nhạy cảm đến tư tưởng người lao động. Bởi lẽ, “thưởng” không phải là một quy định bắt buộc mà chỉ được định hướng theo Luật định, nhưng lâu nay không ít người dân nói chung và người lao động nói riêng chưa hiểu điều đó, lại đưa vào yêu sách đấu tranh trong một số vụ việc ngừng việc tập thể.

          Cụ thể, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động, thì “tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

          Như vậy, tiền thưởng là dạng vật chất linh hoạt không được ấn định cụ thể, thậm chí có doanh nghiệp không có khoản tiền này nếu như kết quả sản xuất kinh doanh không tốt. Cũng theo cách hiểu này, thì “thưởng tết” càng không phải là một quy định bắt buộc, trừ khi nó được cụ thể hóa trong thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của từng doanh nghiệp.

          Trở lại với những thông tin liên quan đến “thưởng tết” được truyền thông khai thác, có một số ý kiến cho rằng sự so sánh cũng có phần khập khiễng. Chẳng hạn cùng có một quy mô vốn đầu tư, lợi nhuận ngang nhau, quỹ thưởng bằng nhau, nhưng doanh nghiệp thương mại có khi chỉ sử dụng vài chục lao động, trong khi một doanh nghiệp sản xuất giày dép sử dụng tới hàng nghìn lao động, đương nhiên mức thưởng chia theo đầu người ở hai dạng hình này sẽ “một trời, một vực”. Nên không thể chủ quan đánh giá, doanh nghiệp có mức thưởng ít hơn theo đầu người hoạt động kém hiệu quả hay ý thức chăm lo cho người lao động kém hơn.

          Vẫn biết tiền thưởng không chỉ mang giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần rất lớn, nhất là thưởng vào dịp tết đối với những quốc gia có nền văn hóa tương tự Việt Nam. Nhưng thiết nghĩ, trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy không nên chỉ vì chuyện “thưởng tết” mà làm tổn hại đến môi trường bình đẳng đó.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông