09:57 16/07/2019 Vừa qua tại diễn đàn HĐND cấp địa phương, một nữ đại biểu đề xuất giải pháp trang bị cho mộ hộ dân một chiếc “lu” đựng nước để chống… lụt.
(Ảnh minh họa)
“Lu” trong trường hợp này được ám chỉ là một dụng cụ truyền thống của các gia đình Việt Nam xưa, thường được làm bằng gốm, gỗ, phên tre (chít mạch) để chứa nước. Tùy theo từng địa phương, những dụng cụ tương tự có nhiều tên gọi như cóng, vại, chum, khạp… với thể tích thông thường chỉ đạt khoảng ¼ mét khối.
Như vậy, trong trường hợp mỗi hộ gia đình có một “lu” chứa nước, mặc dù cũng góp phần giảm lượng nước ra môi trường tự nhiên, nhưng thực tế “lu” sẽ khó đảm bảo chống úng lụt hiệu quả.
Kể cả dùng bể nước, thì thực tiễn cũng cho thấy, chỉ cần một mái nhà vài chục mét vuông, trong 1 trận mưa, bể nước (phổ biến khoảng trên 2 mét khối) đã đầy, được dùng sinh hoạt trong thời gian dài, và những trận mưa kế tiếp gần như các dụng cụ như lu hay bể đều không còn tác dụng.
Mặt khác, để trang bị đại trà lu hay xây bể chứa nước đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn, chưa kể diện tích đất không nhỏ. Chẳng hạn chỗ đặt lu tối thiểu cũng mất gần 1 m2, còn một bể nước có thể tích trên 2 m3 thông thường có diện tích 1,5m x 2,5m (kể cả phủ bì).
Với điều kiện cơ sở hạ tầng sinh hoạt của đại chúng dân cư, điều này là không khả thi, nhất là khu vực nội thành, bởi không phải hộ gia đình nào cũng có mặt bằng trên mái, chưa nói dưới mặt đất.
Còn nữa, cũng một lượng nước mưa bề mặt, nhưng dẫn đến lụt lội cũng do nhiều yếu tố tác động. Ví dụ mưa lớn trong lúc triều cường dâng cao, các cửa thoát ra sông không thể mở, các hồ điều hòa quá tải, úng lụt sẽ lớn và kéo dài, còn khi triều rút thì tác động sẽ ngược lại. Nên rõ ràng, giải pháp “lu chống lụt” không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024