Chuyện thời cuộc: Mạng xã hội

09:40 14/04/2019

Như tin đã đưa, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can, lệnh tạm giữ hình sự đối với Ngô Bá Khá (SN 1993, tức Khá Bảnh, trú tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) về tội Tổ chức đánh bạc. Đây là một động thái kịp thời, cần thiết, được dư luận đồng tình ủng hộ.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên điều đáng lưu tâm ở đây là, một đối tượng “cộm cán” với những thành tích bất hảo như Khá, lại trở thành thần tượng về lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, khiến các bậc phụ huynh nghe tin mà không khỏi giật mình.

Đáng suy ngẫm nữa là thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ việc bạo lực học đường, gây bức xúc trong dư luận, mà đỉnh điểm có thể nói đến vụ một nữ sinh lớp 9 bị hành hạ ở xã Phù Ủng (Ân Thi - Hưng Yên). Nhiều quan điểm cho rằng, hiện tượng 5 nữ sinh gây ra vụ việc trên, tổ chức theo kiểu băng nhóm, với những hành vi vô đạo đức là hiện hình của những lối sống sa đọa được lan truyền trên mạng xã hội.

Có thể khẳng định, mạng xã hội là bạn đồng hành của đa số lớp trẻ hiện nay, theo một điều tra mới được công bố, có hơn 70% người trẻ trong tổng số những người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Bên cạnh mục đích tìm kiếm, cập nhật thông tin, giao lưu với bạn bè, có hơn 50% người trẻ dùng mạng xã hội để tận hưởng những thú vui cuộc sống và giải trí. Nhưng nhìn từ góc độ khác, cũng theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến 2018, cả nước có gần 10.000 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường.

Trong đó rất nhiều vụ được chính những học sinh trong cuộc gây ra rồi tự quay video clip, tự tung lên mạng xã hội.

Không ai phủ nhận những ưu thế, tiện ích nhiều mặt mà mạng xã hội đã mang lại cho con người và giới trẻ. Nhưng làm thế nào để khai thác tối ưu những mặt tích cực để phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ không gian ảo xuyên biên giới này? Trên thực tế các rất nhiều gia đình, trường học, đoàn hội… đã có những giải pháp thiết thực và đem lại kết quả tốt. Nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy, ở gia đình nào người lớn noi gương không tốt, trường học thiếu trách nhiệm, đoàn hội quá nặng bệnh hình thức, thì kết quả cũng thảm bại theo chiều logic.

Cần phải thấy rằng, lớp trẻ thường có diễn biến tâm lý khá nhạy cảm, có nhiều khoảng trống tinh thần chưa ổn định, rất dễ trở thành nạn nhân tấn công từ mặt trái của mạng xã hội.

Vì vậy, để làm chủ tương lai của đất nước một cách thực thụ, lớp trẻ cần hơn nữa sự quan tâm, định hướng từ những việc làm đích thực, tư tưởng đích thực từ người lớn, chứ không thể chỉ là những tấm gương xấu, bệnh thành tích ảo tưởng, sự giáo điều sao rỗng.

                                                                                          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông