Chuyện thời cuộc: Nhận thức mới, ứng xử mới

18:19 14/01/2022

Tính từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 1-2020, đến nay dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên địa bàn cả nước được đúng hai năm. Quãng thời gian không dài, nhưng đã tạo ra những hệ lụy chưa từng có, làm thay đổi liên tục kết cấu truyền thống trên mọi lĩnh vực.

(Ảnh minh họa)

          Dịch bệnh không chỉ tác động nặng nề đến sự nghiệp phát triển kinh tế, làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thay đổi cán cân cung – cầu, đồng thời thay đổi nếp sinh hoạt của từng cá nhân cho đến cộng đồng xã hội, mà còn làm thay đổi cả nhận thức, tư duy của bộ máy quản lý, điều hành và hệ thống liên quan.

        Có lẽ trong thời đại mới, chưa có điều gì đến âm thầm, giấu mặt, mà có thể làm biến chuyển xã hội mau lẹ như dịch bệnh Covid-19, nên người ta mới gọi nó là đại dịch. Nhìn lại từng thời điểm, từng giai đoạn trong hai năm qua, cả hình thức và nội dung trong diễn biến dịch bệnh đều liên tục được thay thế, từ phương pháp tiếp cận, ứng xử đối với bệnh nhân, cho đến các chiến dịch phòng, chống dịch bệnh, điều chỉnh xã hội và triển khai các nhiệm vụ thường xuyên.

          Chỉ vài tháng trước, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát và lây lan trên diện rộng do biến chủng Delta, ở nhiều địa phương, nhất là khu vực phía Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội đã thu hút sự quan tâm rất lớn, các khái niệm truy vết, phong tỏa, cách ly… khác xa với thời điểm hiện tại.

          Ở các khu vực không thực hiện giãn cách xã hội, việc triển khai lập trận tuyến phòng ngự cũng vô cùng quyết liệt, trong đó Hải Phòng là một trong những tâm điểm.

          Nhưng cũng từ sự biến chuyển đó, chúng ta đã nhận thức rõ hơn, tiệm cận sâu hơn với thực trạng dịch bệnh, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Để trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mấu chốt là vừa kiểm soát dịch bệnh một cách hợp lý, vừa tập trung phục hồi, duy trì và phát triển kinh tế xã hội, ổn định an sinh xã hội.

          Cho thấy, không chỉ trong cộng đồng, mà ở tầm vĩ mô những quan điểm, nhận thức về dịch bệnh Covid-19 cũng đã thay đổi. Điều quan trọng, đây là quan điểm, nhận thức dựa trên những đánh giá khoa học, đặc biệt là kết quả của những nỗ lực mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thể hiện trong suốt hai năm qua.

          Chỉ tính như việc tiêm vắc-xin, trong một thời gian ngắn từ một nước phải nhận phân bổ hạn chế, Việt Nam đã vươn lên tốp đầu thế giới về độ bao phủ, là thành tựu đầy ý nghĩa của chương trình ngoại giao vắc-xin mà Đảng và Nhà nước đã phát động, triển khai thực hiện.

          Hải Phòng cũng như cả nước, quan điểm và nhận thức cũng đã thay đổi rất rõ, nếu như trước kia trên địa bàn mới chỉ có người F1 đã đủ làm cả cộng đồng chao đảo, rồi những F0 đầu tiên, rồi hàng chục F0 đầu tiên, hàng trăm F0 đầu tiên…

       Đến giờ đây, chính quyền và người dân đã bình tĩnh hơn, hợp lý hơn trong ứng xử, khả năng nhạy bén, thích ứng linh hoạt đã được phát huy.

          Điều quan trọng là, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó dự báo, rất có thể sẽ tiếp tục tác động làm thay đổi mọi thứ trong tương lai. Trong hoàn cảnh nào thì chúng ta vẫn phải nêu cao tinh thần chủ động, không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, mục tiêu cao nhất là kiểm soát hiệu quả để triệt tiêu căn bệnh thế kỷ này.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông