Chuyện thời cuộc: Nhìn từ một vụ tai nạn

15:39 06/03/2022

Theo thông tin từ các phương tiện đại chúng, vào ngày 26-2 vừa qua, một Ca-nô du lịch chở 39 người đi tham quan tại đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã bị lật, khiến 17 người tử vong. Đây là một vụ tai nạn vô cùng đáng tiếc, không những gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng du khách, mà còn tạo ra hình ảnh xấu trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi trở lại sau thời gian dài tổn thất vì dịch bệnh Covid-19.

(Ảnh minh họa)

Hiện nguyên nhân vụ tại tạn cũng như việc khắc phục hậu quả đang được các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc. Nhưng từ những gì đã được công bố, cho thấy có không ít những bất cập nảy sinh liên quan đến vấn đề an toàn giao thông đường thủy.

Chẳng hạn nếu nguyên nhân được cho là gặp sóng lớn, thì theo tài liệu đã đưa, loại Ca-nô gặp nạn trên chỉ được thiết kế chịu sức gió trên biển tới cấp 5, nhưng trước đó dự báo thời tiết khu vực này đã khuyến cáo mức gió có thể lên tới cấp 7.

Vậy tại sao Ca-nô vẫn được xuất bến, khi chở lượng khách khá đông, đây rõ ràng là trách nhiệm chủ quan của công tác quản lý, cũng như chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện?

Vụ tai nạn cũng tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về phương pháp thiết kế Ca-nô cao tốc trên biển, giữa nhóm quan điểm chủ trương “kín” để tránh sóng nước, với nhóm quan điểm chủ trương “hở” để dễ cứu hộ cứu nạn.

Nghe ra có vẻ không ổn, bởi những vấn đề tranh luận này chắc chắn đã được các nhà khoa học, kỹ thuật hàng hải Việt Nam cũng như thế giới nghiên cứu từ lâu, đem ra tranh luận vào thời điểm này là rất cổ hủ so với thành tựu của một ngành nghề vận tải vốn dĩ đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm nay.

Hơn nữa, để hướng tới tiêu chuẩn an toàn, tiện lợi, đáp ứng đủ nhu cầu của cả người khai thác và khách hàng là điều đều cần phải hoàn thiện, các rủi ro phải được lường trước để có phương án đối phó, chứ không phải đợi đến lúc “mất bò mới lo…”.

Trong khi đó, khách quan mà nhìn nhận thì trên thực tế, cả giao thông đường bộ, hàng không và đường thủy, đa số những vụ tai nạn đã xảy ra đều có yếu tố phát sinh chủ quan của con người, khi không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn.

Ví dụ như máy bay trục trặc động cơ, ô tô mất phanh mất lái, tàu thủy rơi chân vịt… liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng hoặc kiểm tra tình trạng. Hoặc đôi khi có những vụ tai nạn đến từ nguyên nhân rất “hớ hênh”, như việc nạn nhân không đội mũ bảo hiểm vì sợ… hỏng mái tóc vừa được làm đẹp hay một phụ nữ gặp tai nạn vì… váy chống nắng quấn vào bánh xe, là những ví dụ.

Trở lại với vụ tai nạn Ca-nô ở TP Hội An, đây là bài học xương máu cho cả nước, khi Việt Nam có trên 3 nghìn km bờ biển, thuộc 28 tỉnh thành, việc sử dụng phương tiện đường thủy chở khách vốn dĩ rất thông dụng.

Đối với Hải Phòng, khu vực có bờ biển và vùng biển dài rộng, có hai huyện đảo và nhiều khu du lịch biển, hiện cũng có nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng các phương tiện thủy trong khai thác vận tải khách, thiết nghĩ vấn đề này càng cần được quan tâm.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông